• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo viên tham gia tập huấn không vượt qua bài test sẽ không được bố trí dạy lớp 1 trong năm nay

Giáo dục 02/07/2020 19:06

(Tổ Quốc) - Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong tháng 7 này các giáo viên dạy lớp 1 sẽ được tập huấn chương trình và sách giáo khoa mới.

Bộ GDĐT cho biết, đã ban hành kế hoạch tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đảm bảo thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán và 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, 11.000 tổ trưởng chuyên môn, 1.028 cán bộ quản lý sở GDĐT, phòng GDĐT.

Theo kế hoạch, năm 2020 tiếp tục triển khai bồi dưỡng những modul tiếp theo cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán và bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên phổ thông. Hiện nay, các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn đang phối hợp với các địa phương triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1.

Giáo viên được sử dụng cả 5 bộ SGK mới để xây dựng bài giảng

Thông tin về việc tập huấn chương trình GDPT mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, thời điểm này, giáo viên đã tham gia 2 đợt tập huấn, về chương trình và tìm hiểu SGK lựa chọn, hiện nay đang gấp rút triển khai tập huấn SGK.

Đối với tập huấn SGK, chương trình gồm 2 bước, giáo viên phải tập huấn tìm hiểu chương trình chung rồi mới tập huấn SGK. Giáo viên sẽ nắm được yêu cầu cần đạt của từng môn học trong từng lớp, từng cấp học.

Ông Tài cho hay, SGK được lựa chọn là chất liệu để giúp giáo viên và học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt. Nhiều tỉnh cũng đã có chỉ đạo, ngoài bộ SGK được lựa chọn, nhà trường phải cung cấp đầy đủ 5 bộ SGK trong thư viện với một cơ số vừa đủ để giáo viên, học sinh tự tham khảo. Các giáo viên được phân công dạy lớp 1 được trang bị đầy đủ cả 5 bộ SGK, giáo viên có quyền sử dụng các bộ sách này để xây dựng bài giảng của mình.

Giáo viên tham gia tập huấn không vượt qua bài test sẽ không được bố trí dạy lớp 1 trong năm nay - Ảnh 1.

Trong tháng 7/2020, 100% giáo viên dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới

Trong quá trình tập huấn, bộ yêu cầu NXB thống nhất với địa phương lên lịch tập huấn cụ thể. Trước khi tập huấn trực tiếp, các bài giảng được số hóa và đưa lên hệ thống. Giáo viên có 5 ngày để tìm hiểu bài giảng này trước, tiếp đó, giáo viên có 2 ngày để tương tác trực tiếp với tác giả SGK, hoặc những người được tác giả ủy quyền báo cáo về SGK thay mình.

Giáo viên sử dụng quy chế sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt tại chỗ tại trường để tìm hiểu chương trình, SGK để xây dựng lên kế hoạch thực hiện chương trình môn học.

Sau quá trình tập huấn này, nếu giáo viên nào có lý do bất khả kháng không tham gia tập huấn hoặc tham gia không đầy đủ hoặc tập huấn có bài kiểm tra trên hệ thống online chưa đạt yêu cầu thì nhà trường sẽ không được bố trí dạy lớp 1, Vụ trưởng nhấn mạnh.

Phía địa phương, sở GDĐT có trách nhiệm điều động giáo viên đi tập huấn, quản lý lớp học, tham gia chương trình bồi dưỡng… NXB có trách nhiệm cử báo cáo viên đến để tập huấn theo đúng chương trình, nội dung môn học. Đây là sự hợp tác hai bên và cần có sự thống nhất.

Qua kiểm tra thực tế, đại diện Bộ cho biết, tới giờ chưa nhận được báo cáo nào của NXB hay địa phương nói rằng có gây khó khăn, không hợp tác trong quá trình bồi dưỡng.

Học sinh vào lớp 1 từ năm học 2020-2021 không bị ảnh hưởng bởi khung thời gian năm học thay đổi

Vụ trưởng cũng cho rằng việc điều chỉnh khung thời gian năm học năm học 2020-2021 sẽ không ảnh hưởng gì tới các học sinh lớp 1 năm nay.

Nếu khai giảng năm học mới vào ngày 5/9, kết thúc năm học vào ngày 25/5 năm sau thì quỹ thời năm học gần 38 tuần, trong khi thời gian năm học chỉ có 35 tuần, như vậy nếu khai giảng và học luôn thì Bộ khẳng định không ảnh hưởng.

Lớp 1 năm nay còn có thuận lợi hơn là đối với chương trình tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết học chỉ có 35 phút, do đó khoảng thời gian sau mỗi giờ học chính khóa là khoảng thời gian các trường có thể tận dụng để giúp giáo viên hoàn thành thời gian học tập trong chương trình.

Bộ GDĐT cũng đã ban hành công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học. linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để đảm bảo "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".

Bộ đã đề nghị các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của từng địa phương; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, hầu hết các địa phương có đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT mới và cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ