(Tổ Quốc) - Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục: tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB vẫn còn chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra (Nguồn: quochoi.vn)
Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 – 2021 của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (TCNS) cho thấy, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu nội địa cho thấy thu NSNN còn thiếu vững chắc.
Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán. Ủy ban TCNS cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước cả năm vượt 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ song đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu tăng thu tích cực hơn, không để nợ hoàn thuế đối với doanh nghiệp, nâng cao hơn chất lượng kiểm tra, thanh tra, chống gian lận trong hoàn thuế.
Về chi NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng, chi NSNN đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực chi thường xuyên như: việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao; Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, chưa thực hiện được theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Một số chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội còn chi trùng lặp về đối tượng, còn hiện tượng trục lợi chính sách, gây thất thoát NSNN; Việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự.
Về lĩnh vực chi đầu tư phát triển, Uỷ ban TCNS cho rằng, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục: tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB vẫn còn chậm. Có những dự án quan trọng quốc gia, chương trình MTQG và một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng NSNN, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn...
Chính phủ dự ước bội chi NSNN bằng dự toán, nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực. Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh
Bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP
Về dự toán NSNN năm 2019, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với phương án Chính phủ dự kiến: bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018 và đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu NSNN thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN.
Về nợ công, Ủy ban TCNS nhận thấy, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%GDP). Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Về phương án phân bổ NSTW năm 2019, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ NSTW năm 2019, nhưng nhấn mạnh rằng, phân bổ NSTW phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN; bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Từ kết quả thu nội địa các năm gần đây, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, cơ cấu thu của NSTW còn thấp để có giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, xây dựng dự toán sát thực tế, tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu NSNN.