• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giàu có không phải là tiêu chí hạnh phúc của người Việt Nam

Văn hoá 20/03/2017 14:04

(Tổ Quốc) - Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, nội dung “giàu có, kiếm được nhiều tiền” lại chiếm tỉ lệ thấp nhất trong tiêu chuẩn của gia đình hạnh phúc.

Thế nào là hạnh phúc, có đo đếm được hạnh phúc, người Việt Nam có những tiêu chí nào để đánh giá hạnh phúc…. Nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Tọa đàm Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam vừa được Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Thế nào là hạnh phúc?

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, trong đề tài tìm  hiểu quan niệm của người dân về một gia đình hạnh phúc, với câu hỏi “Theo ông/bà, một gia đình hạnh phúc thì sẽ có những tiêu chuẩn nào?”. Năm tiêu chuẩn được nhiều người lựa chọn nhất lần lượt là “Gia đình hòa thuận” (chiếm 88.6%); “Mọi người có ý thức xây dựng gia đình” (chiếm 80.9%); “Con cái vâng lời cha mẹ” (chiếm 78.6%); “Gia đình bình đẳng” (chiếm 72.3%) và “Mọi người khỏe mạnh” (chiếm 70.6%).

Mặc dù sống trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng lựa chọn nội dung “Giàu có, kiếm được nhiều tiền” là tiêu chuẩn của gia đình hạnh phúc lại chiếm tỉ lệ rất ít

Điều ngạc nhiên là mặc dù sống trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng lựa chọn nội dung “Giàu có, kiếm được nhiều tiền” là tiêu chuẩn của gia đình hạnh phúc lại chiếm tỉ lệ rất ít.

Đó là lý do vì sao, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đặt câu hỏi: “Vì sao mấy chục năm về trước chúng ta đói kém, khó khăn hơn bây giờ nhưng rõ ràng chúng ta lại cảm nhận được rằng khi đó chúng ta hạnh phúc hơn bây giờ?”

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đã đánh mất kết nối với thiên nhiên, không giao cảm với thiền nhiên và dần dần mất mối giao cảm với con người. Chúng ta cô độc và bất hạnh dù vật chất đầy đủ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng, chưa bao giờ, sự kết nối giữa các thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình lại thiếu gắn kết như bây giờ. Cuộc sống hiện đại, mỗi người bận rộn với công việc của mình, tối về nhà, thay vì quây quần bên nhau, người cha thì xem ti vi, người con thì xem điện thoại, người mẹ lại việc nhà… không có sự chia sẻ, như vậy, không thể có  hạnh phúc.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Con người không có sự chia sẻ, như vậy, không thể có  hạnh phúc

Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của con người nhưng lại dựa trên những yếu tố khách quan- cơ sở tạo nên sự cảm nhận hạnh phúc- đó là mức độ thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống xung quanh.

PGS.TS Lê Ngọc Văn cho rằng, 3 điều này được thỏa mãn thì con người hạnh phúc, đó là: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nội tâm của chính bản thân mỗi người. Con người có thể tìm kiếm và trải nghiệm về hạnh phúc, do đó, hạnh phúc có tể đo lường được.

Người Việt Nam đạt mức trung bình về chỉ số hạnh phúc

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Ngọc Văn cũng cho biết chỉ số đo lường hạnh phúc của người Việt Nam đang là một thách thức lớn.

“Hạnh phúc không phải chỉ là những gì vui sướng, hân hoan, phấn khởi, mà hạnh phúc gồm cả nỗi buồn, sự lo lắng và cả những mất mát, đau khổ. Nhưng cộng trừ sự vui sướng với đau khổ mà sự vui sướng nhiều hơn thì đó là hạnh phúc. Kinh nghiệm thế giới cho thấy ở các nước nghèo, khi điều kiện vật chất tăng lên thì hạnh phúc tăng lên rất nhanh. Nhưng ở các nước phát triển thì hạnh phúc phụ thuộc vào sự thỏa mãn cá nhân, sự cống hiến cho xã hội” – PGS. TS Lê Ngọc Văn phát biểu.

Theo những nghiên cứu của ông thì chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam hiện nay đạt khoảng 6,8/10.

PGS.TS Lê Ngọc Văn cho rằng một số tổ chức cho rằng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam đứng tốp đầu thế giới và khu vực là không đáng tin cậy.

PGS.TS Lê Ngọc Văn: Chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam đạt mức trung bình

Thậm chí theo nghiên cứu của các tổ chức châu Âu, nếu lấy chất lượng cuộc sống để đo chỉ số hạnh phúc thì người Việt Nam xếp gần cuối bảng.

Tiêu chí hạnh phúc cũng có sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Nếu Mỹ và phương Tây thường lấy sự hoàn thiện bản thân, sự cống hiến cá nhân làm tiêu chí của hạnh phúc thì người châu Á, trong đó có Việt Nam, lại mang quan điểm nếu vợ không hài lòng thì chồng không hạnh phúc; nếu bố mẹ không hài lòng thì con cái không hạnh phúc; nếu đồng nghiệp, lãnh đạo không hài lòng thì bản thân người đó không hạnh phúc… “Người Việt Nam bị nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của cá nhân”- PGS.TS Lê Ngọc Văn nói.

Nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc nếu đứng ở tôn giáo khác nhau, dân tộc khác nhau, thậm chí là thời điểm khác nhau. Vì vậy, GS.TS Hồ Sĩ Quý- Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, qua niệm hạnh phúc trong Kito giáo khác với quan niệm hạnh phúc trong Phật giáo, Nho giáo. Hay TS Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thì chỉ ra quan niệm hạnh phúc của người dân tộc thiểu số cũng khác nhau qua một nghiên cứu của bà với dân tộc Mông và dân tộc Thái ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Tuy nhiên, tựu chung lại, “hạnh phúc là sự hài lòng, thỏa mãn những việc đã làm, vui vẻ với cuộc sống hiện tại, hoàn thành các ý nguyện của mình và mang lại niềm vui, trách nhiệm chăm lo cho những người thân yêu của mình”.

Theo nghiên cứu của GS.TS Lê Thị Quý, để đạt được hạnh phúc, hầu hết những người được hỏi đều thừa nhận, gia đình Việt Nam hiện nay cần phải được kế thừa các giá trị truyền thống. Đó là tình yêu thương trong các mối quan hệ gia đình, các chuẩn mực về cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể tay chân, vợ chồng hòa thuận. Nếu gia đình nào như thế, sẽ được coi là hạnh phúc./.

Bài, ảnh: Hồng Hà

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ