• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Giờ dạy" chỉ là quy ước gọi tắt, tiền lương của giáo viên phổ thông đều tính theo tiết dạy

Giáo dục 02/03/2020 13:25

(Tổ Quốc) - Theo Bộ GDĐT, chế độ làm việc và thời gian dạy thêm giờ của giáo viên phổ thông được tính theo định mức tiết dạy, việc gọi là “giờ dạy” là quy ước gọi tắt.

Mới đây, ông Nguyễn Đình Hoàng (Đắk Lắk) có thắc mắc về tiết dạy và giờ dạy có khác nhau hay không? Nếu không khác nhau thì căn cứ vào văn bản nào để xác định?

Dẫn chứng theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì ghi định mức là tiết dạy (giáo viên THPT 17 tiết/tuần). Và Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thì ghi thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.

"Giờ dạy" chỉ là quy ước gọi tắt, tiền lương của giáo viên phổ thông đều tính theo tiết dạy - Ảnh 1.

Quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ (ảnh minh họa)

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên THCS được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC đã quy định: “Định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/ năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm”.

Như vậy, đối với giáo viên phổ thông thì chế độ làm việc được tính theo định mức tiết dạy và thời gian dạy thêm giờ cũng được tính bằng tiết dạy, việc gọi là “giờ dạy” là quy ước gọi tắt tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (vì quy định chung cho giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông và giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học).

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Xoa (Lai Châu) cũng đặt câu hỏi: Đối với giáo viên THCS thì số giờ được tính tăng giờ là số tiết dạy tăng thêm hay phải quy đổi số tiết dạy đó (45 phút/tiết) thành giờ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên THCS được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, số giờ dạy thêm/năm học là căn cứ để tính tiền lương dạy thêm giờ/năm học. Tuy nhiên, việc xác định giờ dạy hay tiết dạy phụ thuộc vào quy định chế độ làm việc đối với giáo viên của từng cấp học. Đối với cấp phổ thông, chế độ làm việc đối với giáo viên được quy định là tiết dạy (Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông).

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC đã quy định định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông được gọi là định mức giờ dạy/năm tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC. Vì vậy, việc thanh toán tiền lương dạy thêm giờ đối với giáo viên phổ thông được tính theo số tiết dạy thêm giờ.

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ