(Tổ Quốc) - Nhân chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, văn nghệ đa dạng để tôn vinh những giá trị di sản.
Tôn vinh giá trị di sản qua nhiều sự kiện
Chuỗi 20 hoạt động văn hóa diễn đến ngày 15/12, gồm: Trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm… Trong đó, trưng bày chủ đề "Đồng ta" giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đông Sơn, về nghề đúc và chế tác đồng của người Việt từ cổ đại đến hôm nay (Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50, phố Đào Duy Từ từ ngày 15/11-15/12); trưng bày không gian gia đình người Hà Nội xưa làm nghề thuốc Đông y, chủ đề "Chuyện Phố Hàng" (Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây từ ngày 15/11-15/12), trưng bày giới thiệu thành tựu 20 năm khu phố cổ Hà Nội đón nhận bằng Di tích lịch sử Quốc gia (tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, từ ngày 30/11 - 15/12)…
Nhóm các hoạt động biểu diễn nổi bật gồm có: Hòa nhạc di sản cổ truyền - đương đại, Biểu diễn nghệ thuật "Chuyện của đó", chương trình tour thực cảnh "Chuyện phố hàng", chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu làng nghề - phố nghề: Gốm Bát Tràng, đậu bạc Định Công, thêu Mỹ Đức, nón làng Chuông, lụa Phùng Xá, cốm phố cổ…
Ngoài ra, còn có một số cuộc toạ đàm như: Tọa đàm "Trống đồng người Việt từ Đông Sơn -Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hóa" giới thiệu về trống đồng qua lịch sử khảo cổ học; tọa đàm "Nét đặc sắc của mỹ thuật truyền thống và ứng dụng, tái tạo các giá trị văn hóa trong kiến trúc đương đại"… và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, các hoạt động chính sẽ diễn ra vào dịp cuối tuần - ngày 23 và 24/11, tại nhiều không gian khác nhau trong khu phố cổ. Qua những hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng một số giá trị di sản văn hóa của phố cổ nói riêng, các di sản văn hóa Việt Nam nói chung, từ đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản, gắn với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa.
Phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị
Cùng với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ và hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa quốc gia và quốc gia đặc biệt cũng như các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, khu Phố cổ có vai trò như một bộ phận cấu thành của một di sản đô thị.
Khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể lớn với 121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác. Trong đó, có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am. Khu phố cổ cũng có các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: sinh hoạt của người dân, ẩm thực, các loại hình diễn xướng dân gian như ca trù và xẩm, các lễ hội truyền thống ở đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội kim hoàn... tạo nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01, khu phố cổ Hà Nội hiện nay, mặc dầu đã được cải tạo nhiều từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song đến nay vẫn còn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với đường phố, ngõ nhỏ hẹp, nhiều đoạn đường gãy khúc hoặc uốn cong từ thời xa xưa để lại. Hai bên phố là các loại nhà với đa phong cách, các nhà chia lô nhỏ bé, chiều cao 2 - 3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Nhà lợp ngói, mái ngói lô xô cao thấp khác nhau; cùng các hoạ tiết trang trí mặt tiền nói lên sự giao lưu, cộng sinh văn hoá giữa văn hoá Việt với các văn hoá Hoa, Pháp và có cả văn hoá Ấn trong quá trình hình thành, phát triển khu cư dân, buôn bán, thủ công nhiệp phố cổ.
Có thể khẳng định khu Phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả Thủ đô Hà Nội, là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 2004.
Nhìn lại hành trình 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia với các hoạt động phong phú, tôn vinh giá trị di sản cũng là dịp để công chúng tìm hiểu, yêu mến, tự hào và trân trọng những giá trị của phố cổ Hà Nội xưa và nay. Từ đó sẽ cùng các cấp, giữ gìn, trao truyền và phát huy những giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội đến nhiều thế hệ.