• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giới thiệu Dương Minh Long

05/06/2010 16:54

Chắc chắn Dương Minh Long đã quên nhiếp ảnh để đến với cái không phải là nhiếp ảnh. Nhưng không có nhiếp ảnh, khuôn hình của vuông hay chữ nhật, tôi không thể tiếp nhận được những văn bản thi ca ào ạt của Dương Minh Long.

Thật ra, không có khoảng cách giữa thi ca và nhiếp ảnh mặc dù, chưa bao giờ nhiếp ảnh được liệt vào bất kỳ thang bậc nào của một trong bảy loại hình nghệ thuật. Nhưng nó lại cõng trên lưng mình nỗi nhọc nhằn mang tên thi ảnh. Thành một Dương Minh Long trong nhiếp ảnh có nghĩa là Dương Minh Long cũng ý thức được rằng mình duyên nợ với thi ca.

Tôi và nhà thơ Nguyễn Duy đã theo dõi Dương Minh Long suốt 30 năm. Từ những bức ảnh đầu tay đến những bức ảnh bây giờ và cảm nhận ảnh của Dương Minh Long có chút vần điệu. Bây giờ mới thấy, lẽ ra Dương Minh Long phải làm nhà thơ trước khi làm ảnh. Tiền thi hậu ảnh mới đúng trong trường hợp của Dương Minh Long.

Đọc những bài thơ văn xuôi đầu tay của Dương Minh Long bên sông Hồng mùa nước cạn, nước của sông Hồng đã chuyển từ đỏ sang xanh, đã thấy một Long khác. Một nhiếp ảnh gia thành thi sĩ bất ngờ.

Thường chúng ta vẫn nhìn những người ngoài nghề như những vật thể lạ, rất lạ. Họ không chuyên nghiệp. Giống như một người hát nghiệp dư nhất cũng biết bảy nốt nhạc, giống như vẽ truyền thần phải biết hình họa, giống như người chụp ảnh phải biết ba cự li trung, cận, toàn, nhưng với thi ca lại không phải thế. Một trong bảy ngành nghệ thuật đã trở thành quyền lực. Quyền lực đã trở thành quyền biến. Tuy nhiên có biến quyền được không còn phụ thuộc vào tài năng của mỗi thi nhân.

Đẩy lên cao trào, giáng xuống vực sâu, vút lên đỉnh, thả xuống hiền hòa là phương pháp tổng phổ của âm nhạc. Phương pháp cơ bản của phối âm đôi khi lại là thi pháp văn chương. Không có nghề nào cho phép mình đứng ngoài khoa học.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỹ thuật. Sự bài bản của kỹ thuật mà thôi.

Tiếp nhận những văn bản thi ca của Dương Minh Long, tự nhiên thấy hoang mang về một thi pháp hình như chưa có. Người thơ đang kể chuyện, những chuyện dọc đường của nhiếp ảnh, cụ thể, chi tiết, có tên người và địa danh như một ghi chép tổng hợp. Lại thấy thân phận các miền quê, những trắc ẩn, cả nỗi đau đời. Dùng những từ rất mạnh, hiếm có trong từ điển mà vẫn không thực dụng, thô thiển, loã lồ.

Trở lại những dòng viết đầu. Tôi phủ nhận Dương Minh Long là một nhà nhiếp ảnh, mặc dù anh đã thành công. Phải Long - thơ thì đúng hơn Long - ảnh.

Không ai sinh ra để làm thơ, cũng không ai sinh ra để làm ảnh. Trời bảo thế và bắt thế. Trời hành chúng ta. Nghĩ thế cho nhẹ nhõm.

Thơ của Dương Minh Long chống lại sự óng mượt, cải lương, hình thức, bề mặt của các nghĩa trang thơ. Ào ạt chữ, chằng chéo tư duy, nhảy cóc, xô đẩy, không thèm đếm xỉa đến các hình thức ngôn ngữ, ngay thẳng mà vẫn trật tự trong một logic. Nó trở thành nội dung thơ và hình thức thể hiện có trong thèm muốn của những người viết trẻ thiện chí, nó chôn cái cũ, nó xóa lối mòn, nó đang vươn lên để tìm cách xô ngã một số người viết đã có dư luận.

Tại sao lại chống trả những thể hiện mới trong thơ, những trung thực mà vẫn lấp lánh. Thừa nhận một nghệ sĩ nhiếp ảnh đốc chứng làm thơ, rụt rè trước một người thơ trong nghề, trước cả những người phụ nữ vì chỉ sợ thơ mình là thơ tán gái thì cũng là lẽ thường tình. Nhưng không, nó là tình yêu và cuộc đời thực sự.

Tôi không trích một câu nào của Dương Minh Long trong bài giới thiệu này vì muốn nhường quyền phán xét của độc giả để tránh chủ quan.

Mai Linh


Xin giới thiệu một số bài thơ của Dương Minh Long


HÀ NỘI CÁNH TRỰC THĂNG


Cơ trưởng đánh võng nhẹ - Hà Nội tròng trành như rổ rau
Mây hối hả trộn nước Sông Hồng lơ đễnh xóa nhiều dấu tích
Nước Hồ Tây cả triệu gánh đổ tràn vào căn hộ
Em hôm gì bơi giữa ban công!
Những ô vuông đồng ô vuông đồng đất nứt cạnh Thủ Đô. Phố cổ mấp mé nghiêng tạm chùa mấp mé
Ngọn cây sữa bế bồng em áo đỏ
nỗi buồn ứa năm cửa ô…

Hà Nội trên cao lồng lộng Hà Nội trên cao
Lòng anh trong tay em ta sẻ với nhau chỉ cao một mét bảy
Em nhắn làm gì trời cao nát vụn cả sóng
Không trung không trung yêu Hà Nội một nghìn cánh bướm
Li ti li ti vẹo cả xương sườn ngắm li ti li ti ngõ tối nhà mái tôn bình nước
Phố không dài cây vừa xám vừa xanh

Hà Nội trên cao vời vợi Hà Nội trên cao
Bức tường mây in khoan cắt bê tông
Vỉa hè quán restaurant chè chén
Tháp Bút bật lên kinh sử dày vạn cuốn
Văn Miếu lấp ló kia rồi có chắc không Văn Miếu
Thoáng thật em à Hà Nội mát trên cao

Sao Mai hứa với anh Sao Mai hứa với anh Hà Nội còn một chốn
Khoảng trống năm kia ở trên cao là một vuông mắt nhỏ
Giờ cũng đã không còn Sao Mai hứa với em…
Cả một bầu trời xanh ôm thành phố màu xanh
Cả một bữa mây mù ôm đường phố mù sương
Còn nhìn rõ không em còn thấy nữa không em
ban công hoa sắt
Áo gấm đính cườm dép da trang phục trắng
Ảnh đen trắng bàn thờ phim âm bản khổ vuông

Hà Nội bay Hà Nội bay lơ lửng trên cao
Chán thế hả em, mọi thứ đều dốc ngược…

Bẻ máy bẻ ống kính dăm năm mười năm lại hiện ra một Hà Nội… nói thế nào nhỉ em… em bức xúc thế nào…
Em yên tâm, anh nhấn cò cả nhà cao nhà cấp bốn
Nhà mốc rêu và nhà mới lên tầng

Từ trực thăng lật giở chưa mờ trang di chúc
Ông Nội dặn thế này bà Ngoại nói thế kia
Họp gia đình mắng giời cao xa xả
Con cháu mình chơi game nát Thủ Đô

Trên cao trên cao ngắm Hà Nội trên cao
Chả mất gì và cũng may còn gì em ạ
Thủ Đô thanh bình đã nhàn rỗi ôm chặt hết chân đê
Thoai thoải bia đá húi cua cầu Lĩnh Nam
Nêm như cối quanh ga đổ xuôi Văn Điển
Cô gái quê lụa kia rồi bò cũng lững thững quê anh

Nhắn tin hỏi còn gì không nơi ấy
Còn cả tình yêu phát cuồng ấy chứ lị
Bác tài trực thăng chơi sang nước hoa DKNY
Vừa lượn vừa mở cửa làm Hà Nội xực nức mùi hàng hiệu
Bạn bè anh yêu Hà Nội ngồi trũng cả phố bia hơi
Gọi tình yêu Hà Nội, yêu tình yêu tiếng gọi thất thanh

- Ừ nhỉ, ảnh tư liệu chàng trai ôm bom ba càng Thủ Đô Huyết Lệ
- Ừ nhỉ, mới hôm nào mà đã nghìn năm nước mắt đang trôi…



SAIGON QUẬN NHẤT - QUÁN (1992-2002)

Bây giờ Saigon đã hoán vị nhiều điểm rồi.
Không cứ ăn là đi quận 5. Không cứ nằm là ở quận 3. Không cứ vào ra là về quận 1.
12 năm đầu ở Saigon chuyển nhà 17 lần. La bàn ý thích cứ nháo về quận 1. Hướng đông hướng nam làm gì cho mệt miễn là hướng ấy nháo về quận Nhất. Sợ kẹt mưa. Sợ kẹt nắng. Sợ kẹt xe. Sợ kẹt giữa đường với người tình năm nao…
Sợ nhất là nhỡ kẹt cú bấm bất kỳ. Người Ảnh sợ nhất là không chụp được cái ảnh vì những lý do kẹt linh tinh không lý giải được.
Chả biết cú bất kỳ ấy nó ở đâu.
La bàn đỏ ống kính chỉ chăm chắm nó là Quận Nhất.
Cứ đinh ninh và cứ yên tâm nếu có cú bấm xảy ra là cú bấm ở Quận Nhất.
Sao lại có thứ tin đinh ninh dở người như thế.

Nhưng thú thật là về Quận Nhất mà để bóp cò công nhận là thú thật.
Quận Nhất cái gì nhìn cũng quen. Quán café ngồi quen cả nệm ghế.
Quán chìa cả ly nước ra đường.
Quán nhô cả niềm vui ra ban công.
Quán thút thít trong ngõ tối.
Quán tư lự gọi rồi không uống.
Quán quen chán không chào.
Quán mê ly từ trưa đến tối. Quán tan hoang cười sáng khóc đêm.
Quán chỉ mình quán với đêm.
Quán đêm chỉ mình mình với quán.
Quán đến chỉ để nghe. Quán vào toàn thấy nói.
Quán uống trôi bờ sông. Quán đông trôi cả quán.

Quán nhiều đến nỗi không còn nhớ quán chỉ nhớ những nỗi buồn của mình đã ngồi lì ở quán.
Quán ấy nó buồn.
Vì mình buồn lại ra ngồi quán. Quán không phải là thùng rác buồn. Nhưng buồn thì hay ra quán.
Việc gì cũng lấy quán làm cớ. Lấy quán làm phòng khách nhà mình.

Quán Saigon. Saigon quán.
Ai lại bàn về quán như thế thành ra rắc rối quán Saigon. Sưu tập độc đáo quán Saigon Quận Nhất bỏ phiếu cho nhạc sĩ QB, gọi Chàng là Người café Quận Nhất! Quán phủ kính có Chàng. Quán nát bờ tường đã Chàng ngồi đó.
Tóm lại, Saigon là quán. Mà quán là Saigon.
Saigon không thể thiếu Quán Quận Nhất. Mà Quận Nhất là Saigon. Saigon là Quận Nhất thì bàn làm gì.
Ảnh Quận Nhất người ta dễ nhận ra Saigon.
Ảnh sự kiện lại hay rơi vào Quận Nhất.
Ảnh chụp lâu thì cũng chống gậy vào Quận Nhất.
Ảnh Saigon xưa thì cũng không bán bưu điện Quận 3. Nhất nhất cái gì chạy một hồi rồi cũng lại chạy về Quận Nhất.
Ảnh mới hớn hở vào Quận Nhất đã đành - đến ảnh còn chưa chụp đang nghĩ phải chụp thế nào thì Người Ảnh đã vào đến Quận Nhất, mặc dù chả ai rủ rê… chẳng ma nào đưa đường… Quận Nhất nó cứ từ từ dụ khị mình như thế…
Quận Nhất nó mê muội mình lắm. Nó làm tình với người mới đến. Nó làm tội với kẻ ở lâu.
Buôn bán lao vào Quận Nhất thì đúng rồi.
Nhưng… ơ kìa em cô đơn - buồn ất ơ - buồn không tìm thấy người mình quen trong dòng người buồn nườm nượp sao mà cũng cứ vồi vội trong mưa ướt áo dài lao về Quận Nhất?
Buồn lơ vơ ngay ngã ba. Buồn loang ra ngã tư. Rồi buồn văng ra ngã sáu.
Buồn hát dăm câu trong cái âm thanh bịt khẩu trang, niềm vui mất nhân phẩm, nỗi buồn bị hạ nhục. Buồn loanh quanh hát âm âm ngay trong miệng buồn khẩu trang… rồi nhất định buồn lại nhăm nhắm lao về nơi ấy… Nơi ấy ai chả biết… Nơi ấy thì buồn quá rồi… Nơi ấy em có tin chắc là không buồn không?
Nơi ấy còn là cái nơi nào…
Nơi ấy là anh là em là Quận Nhất.

-… ai cũng biết hết cả rồi Hà Nội là Trái Tim của cả nước - Saigon là Nhịp Đập của Trái Tim ấy! Tinh thần y tế thì rõ rồi. Cứ co bóp y khoa từ từ, quyết liệt làm gì cho vất vả ra, đằng nào máu chẳng chảy về tim… cứ thế mà nhịp… cứ thế mà đập… em nhỉ…



DỌN CÁT VƯỚNG CẢ GIÓ LÀO


Khoảng gần hai mươi năm ngày gặp Mẹ Suốt, Mẹ khoác áo xi măng chiều chiều gội đầu bên sông Nhật Lệ. Nắng tróc da tay, vảy cá trầy da lưng Mẹ vẫn đón thuyền về nhấp nhánh trắng đầu chợ.

Giờ thì Mẹ Suốt đã đi bộ sang bên tượng đài gần đấy. Bến sông vắng mùi tanh nao nao.

Em bới cát ủ khoai. Gió Lào rang xương người.

Sông Kiến Giàng cởi áo thỗn thện. Vú lấp miệng sóng. Vú lấp khúc quành phẳng như sử gương.

Yêu nứt nẻ cả rừng phi lao. Yêu úa mặt tuổi xuân ấp ngực vào cát bỏng.

Bom đạn là gì hở anh?

Dạ dày cháy sém ước mơ dạ con.

Bom rải nhịp ca dao bạc cánh chim trời hở anh? Bới lông gà tìm sắt vụn, quả mìn khía đẹp như quả na tan xác cả dòng thư a-y-e…

Chả còn bằng chứng gì. Cát đã phi tang xoá trắng cuộc tình.

Bà già đầu thôn chắc chị thời chiến?

Chị đứng cuối chợ chắc em giao liên?

Bao nhiêu pháo thủ xác vùi trong cát. Bao nhiêu thiếu nữ cát chẳng kịp vùi. Xương trắng như cát.

- Cả một lũ đây đoán mò máu trộn nước mắt. Tãi cát được gì bán mớ đồng nát…

Quảng Bình ơi, dọn cát từ từ cát trắng trơ xương. Đón gió vù vù gió nghiêng di sản.



NGƯỜI CỎ NGOÀI BIÊN CHẾ


- Đường kim mũi chỉ mà khéo, may một chiếc sơ mi cỏ!

- Đan triệu cái nón cỏ, bện triệu cái mũ cỏ đi trong các đô thị ám khói, cái màu xanh xanh nhấp nhấp nhô nhô ấy cũng trêu ngươi nhỉ…
- Khéo tay tý nữa làm những huy hiệu cỏ huân chương cỏ bày gọi du lịch có mà chả bán chạy
khiếp!

Về Quảng Trị nhủn người nhất là gặp những mảng cỏ xanh.

Không quì xuống cỏ vốn đã cao hơn mình.

Đưa ống kính vào gần, cỏ xanh pha màu đất hồng hồng.

Đẩy nét thêm chút nữa hoa mắt cỏ, như mắt người.

Phim âm bản nát thần hồn cú bấm dương bản lẫn Người lẫn Người Cỏ.

Đôi lúc Người Ảnh và ống kính thiên vị.

Màu xanh cỏ Quảng Trị đỏ hơn cả màu cờ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ