• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giỏi tiếng Anh sẽ 'rộng cửa' vào ĐH?

Giáo dục 19/02/2019 10:24

Năm nay, nhiều trường ĐH lớn bắt đầu sử dụng điểm tiếng Anh làm một tiêu chí quan trọng trong tuyển sinh.

Giỏi tiếng Anh sẽ rộng cửa vào ĐH? - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục nhập học Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2018

Lợi thế khi có điểm tiếng Anh cao

Một điểm mới đáng chú ý trong phương thức tuyển sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM là bổ sung thêm hình thức xét tuyển kết hợp áp dụng riêng cho ngành y khoa hoặc dược học với chỉ tiêu thử nghiệm tối đa 25% từng ngành. Theo đó, ngoài điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống, tổng điểm dùng xét trúng tuyển còn có thêm cột điểm thứ 4 là điểm quy đổi của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Tuy nhiên, theo quy định trường này, chứng chỉ quốc tế được tính để cộng điểm tối thiểu phải từ IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 60 điểm trở lên (tương đương 9 điểm theo bảng quy đổi của trường này). Trước khi áp dụng hình thức mới này, điểm tiếng Anh từng là tiêu chí phụ khi xét thí sinh (TS) đồng điểm vào trường trong các năm trước.

Tương tự, nhiều năm qua Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ làm tiêu chí phụ đầu tiên khi xét TS đồng điểm.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay trước mắt trường thí điểm một vài ngành và dần dần mở rộng hình thức xét tuyển này cho các ngành khác.

“Hiện một số ngành trong lĩnh vực y tế đã hội nhập trong khối ASEAN, như bác sĩ. Một trong các yêu cầu để người lao động tham gia hội nhập thị trường lao động này chính là ngoại ngữ. Do vậy, trường thay đổi cách thức tuyển sinh nhằm tuyển người học có khả năng tiếng Anh nhất định phục vụ cho việc học tập tốt hơn, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, tiếp xúc các chuyên gia quốc tế…”, ông Khôi lý giải.

Trường ĐH Y Hà Nội từ năm 2018 cũng sử dụng ngoại ngữ làm ưu tiên 1 trong tiêu chí phụ xét TS có điểm bằng nhau. Các TS có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh, Pháp được miễn thi môn ngoại ngữ xét tốt nghiệp và được quy đổi điểm khi xét tiêu chí phụ.

Tuyển thẳng người có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Nhiều trường ĐH còn xét tuyển trực tiếp TS dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nếu có học lực phổ thông đạt khá trở lên.

Người giỏi ngoại ngữ luôn có ưu thế, đặc biệt ở thời điểm hiện tại

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ

Theo phương án tuyển sinh dự kiến, Trường ĐH Ngoại thương năm nay lần đầu áp dụng xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và học lực 3 năm THPT. Phương thức này áp dụng cho học sinh lớp chuyên toán, lý, hóa, văn và ngoại ngữ các trường THPT chuyên toàn quốc, tốt nghiệp năm nay, có hạnh kiểm 3 năm khá trở lên. Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được sử dụng phải đạt từ IELTS 6.5 điểm trở lên hoặc TOEFL PBT 550 hoặc TOEFL iBT 90 hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dành 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển thẳng, trong đó ngoại trừ xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, còn lại đều có yêu cầu khả năng tiếng Anh của học sinh. Cụ thể, với nhóm học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, điểm trung bình tiếng Anh lớp 12 phải từ 6,5 trở lên; nhóm học sinh giỏi 3 năm THPT điểm trung bình tiếng Anh lớp 12 từ 8 trở lên. Riêng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương, trường yêu cầu học lực 3 năm THPT từ khá trở lên.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết phương thức mới này trường quyết định trên cơ sở khảo sát những TS trúng tuyển vào trường năm 2018, vì tới 70 - 80% sinh viên trúng tuyển có điểm môn tiếng Anh lớp 12 từ trung bình, khá trở lên.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét TS trong trường hợp đồng điểm cho tất cả các ngành. Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dành tối đa 10% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng tất cả các ngành với TS đạt IELTS quốc tế từ 5.0 điểm trở lên hoặc tương đương và có điểm trung bình học bạ trong 5 học kỳ đầu THPT từng môn theo tổ hợp từ 6 trở lên.

Theo các chuyên gia, với xu hướng đổi mới tuyển sinh này, học sinh giỏi tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Người giỏi ngoại ngữ luôn có ưu thế, đặc biệt ở thời điểm hiện tại”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho biết với chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế, hầu hết tài liệu học tập của sinh viên đều bằng tiếng Anh. Nếu không có ngoại ngữ sẽ khó khăn trong quá trình tiếp nhận kiến thức.

Ông Đương bổ sung: “Với thị trường lao động, tiếng Anh tốt đang trở thành ưu thế của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh chuyên môn, nếu không trang bị tốt khả năng này, cơ hội nghề nghiệp sẽ không tốt. Đó chính là lý do mà nhiều trường ĐH đang dần chuyển đổi xu hướng lựa chọn người học ngay từ khâu tuyển sinh”.

Theo Thanhnien.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ