• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giọt nước mắt tháng Bảy...

Thời sự 14/07/2022 10:15

Kỷ niệm 50 năm Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022)

(Tổ Quốc) - Mùa hè rực lửa năm 1972, hàng ngàn thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại những ước mơ, hạnh phúc và những hoài bão và xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành Cổ. Những người anh hùng bình dị ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình và nằm lại ở chiến trường để giành lấy hoà bình, hạnh phúc của muôn đời sau.

Bến sông Thạch Hãn (Thị xã Quảng Trị tỉnh Quảng Trị) trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt đó đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ quân Giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành Cổ làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc. Trong khoảng thời gian này, giặc Mỹ điên cuồng trút xuống hơn 300 ngàn tấn bom ở vùng đất chưa đầy 3km của thị xã Quảng Trị. Khủng khiếp vô cùng nhưng những bức tường của Thành cổ vẫn hiên ngang đứng trước sức công phá bom đạn của kẻ thù xâm lược ngày ấy.

Giọt nước mắt tháng Bảy... - Ảnh 1.

Dòng sông hoa trong đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại Thành Cổ Quảng Trị năm 1972

Sự ác liệt của chiến trường là minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của những con người bằng xương bằng thịt. Những chiến sĩ giải phóng quân đã sẵn sàng hy sinh để che chắn cho Thành Cổ với cả niềm tin về một ngày cả dân tộc sẽ được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Có thể khẳng định rằng, mỗi tấc đất Thành Cổ là một cuộc đời có thật, bởi xương máu của các anh đã hòa vào từng nắm đất, từng hạt phù sa ươm mầm sống cho cuộc đời của hàng bao thế hệ sau này. Năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi về quá khứ nhưng máu xương của các anh hùng Liệt sĩ đã tan vào đất mẹ, hòa vào sông nước mênh mang của dòng Thạch Hãn để ngàn đời sau vẫn mãi khắc ghi.

Giọt nước mắt tháng Bảy... - Ảnh 2.

Về thăm đồng đội

Đến với thành cổ hôm nay, chúng ta không thể cầm được nước mắt trước những kỷ vật của người chiến sĩ giải phóng quân. Hành trang của họ ở Thành Cổ được tái hiện với chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, bi-đông nước, khẩu AK và chiếc ba lô. Thật là giản dị, thân thương nhưng can trường bất khuất… Và chính hành trang này đã làm nên những chiến thắng lịch sử vang vọng khắp năm châu bốn biển.

Sau 50 năm những người lính từng vào sinh ra tử năm xưa trở lại nơi đây với tất cả ký ức của 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường ở Thành cổ Quảng Trị. Những mái đầu đã bạc trắng của người lính năm xưa nhưng thời gian không thể làm phai mờ ký ức của họ. Những cái tên được những người lính năm xưa gọi lên trong nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào giữa khoảng không gian lặng yên của Thành Cổ.

Giọt nước mắt tháng Bảy... - Ảnh 3.

Những ngọn nến được thả xuống dòng sông Thạch Hãn tạo thành dòng sông hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ

Họ - những người anh hùng – những người đã nằm xuống ở đất lửa Quảng Trị này. Có lẽ, những người lính họ kiên cường, anh dũng và xem nhẹ cái chết của mình khi chiến đấu chỉ để ước ao được ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Khoảng không gian tĩnh lặng nhất giữa các trận chiến ác liệt ấy, những người anh hùng vẫn dành cho thời gian nhớ về gia đình. Họ biên vội những bức thư, những dòng nhật kí đầy nước mắt cho người thân và gia đình dẫu biết rằng chưa chắc hậu phương có thể nhận được bởi chiến trường đang bị bom đạn cày xới.

Những năm sau chiến tranh, những bức thư, những dòng nhật ký là kỷ vật của các liệt sĩ đã được tìm thấy. Những dòng chữ viết vội vẫn còn đó như quyển lá thư của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh quê xã Lê Lợi huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình viết về cho Mẹ.

"Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi"… "Bao hy vọng khi nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng"…

"Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ và đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau"…

Giọt nước mắt tháng Bảy... - Ảnh 4.

Thế hệ trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ

Dòng nhật ký giữa khoảng thời gian ngưng tiếng súng, liệt sĩ Lê Viết Huỳnh đã từng gửi lại những lời cảm ơn công lao to lớn người đã sinh thành ra mình. Và đó cũng là lời "tiên đoán" trước cái chết cận kề của mình bởi sự khốc liệt của cuộc chiến ở Thành Cổ.

Liệt sĩ Huỳnh đã vĩnh viễn nằm lại ở Thành Cổ khi cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để cho chúng ta có cuộc sống hôm nay, cuộc sống trong ấm no, hòa bình và hạnh phúc.

Những ngày tháng 7 ở Thành Cổ là những ngày cạn khô nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào bởi mẹ gọi con, vợ gọi chồng và những đứa con gọi bố… Hay những tiếng nỉ non tâm sự của những cựu binh từng là đồng đội, là đồng chí trong cuộc chiến ác liệt ngày đó.

Giọt nước mắt tháng Bảy... - Ảnh 5.

Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của thế hệ trẻ, cựu chiến binh khi trở lại chiến trường xưa, trở lại nơi họ cùng các anh hùng liệt sĩ có những ngày tháng chiến đấu kiên cường, bất khuất để dành độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông

Trên sông, những ngọn đèn hoa đăng được đồng chí đồng đội của các anh thả xuống, họ cất tiếng hát... Tất cả lặng im và chỉ những linh hồn của các anh mới cảm nhận được. Những người lính trên chiếc Chiếc xuồng chao nghiêng, những lời nói, câu hát nhỏ dần nhỏ dần rồi tất cả những người xung quanh đều bật khóc vì những con người bất tử đã nằm xuống cho cuộc sông hôm nay!

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Những người lính đã mãi mãi nằm lại ở Thành Cổ Quảng Trị sẽ luôn luôn sống mãi, sẽ là những con người bất tử, là hình tượng đáng tự hào, đáng trân trọng trong lòng của mỗi người dân Việt Nam...

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ