• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để Việt Nam tạo được sự ổn định rất nhiều mặt"

Kinh tế 29/05/2023 09:52

(Tổ Quốc) - GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để chúng ta tạo được sự ổn định rất nhiều mặt.

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.

Không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng

Đánh giá về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm cho tăng trưởng thời gian vừa qua, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chúng ta không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng.

"Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để Việt Nam tạo được sự ổn định rất nhiều mặt" - Ảnh 1.

GS.TS Hoàng Văn Cường

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để thành công được, có nhiều giải pháp Chính phủ đã điều hành nhưng ông cho rằng, kết quả này đạt được dựa trên 3 góc độ.

Thứ nhất, ổn định vĩ mô rất thành công. Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Ông dẫn chứng, trong bối cảnh đại dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Điều hành tỉ giá không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt nhưng cũng chỉ biến động quanh khung 23,5-24,5 và cuối cùng quay lại đúng mức tỉ giá ổn định. Từ đó tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ…

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng đây là những yếu tố thể hiện sự thành công của trong điều hành kinh tế của Việt Nam. Cả thế giới lạm phát cao như thế, Việt Nam duy trì được, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, khi giá đồng tiền các nước tăng cao, đồng tiền của Việt Nam nguy cơ mất giá là rất cao.

Thứ ba, về công tác điều hành, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, công tác điều hành giữa Chính phủ, Quốc hội có sự tương tác, hỗ trợ đồng hành rất rõ. Gần như là các chính sách ra đời luôn có sự hỗ trợ đồng hành và tương tác nhanh chóng. Những gì cần cho cuộc sống thì chúng ta có khuôn khổ pháp lý để thực thi và khi có rồi thì hành động của Chính phủ rất quyết liệt trong bối cảnh khó khăn.

Điều quan trọng nhất chúng ta đạt được là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, qua thực tế diễn ra, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 như sau: "Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế".

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP). Như vậy, sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế nước ta rất lớn. Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch Covid-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái. Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước.

"Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để Việt Nam tạo được sự ổn định rất nhiều mặt" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.

Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khóa ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỉ giá, lãi suất, chúng ta có điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.

Nêu quan điểm tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo, Việt Nam thể hiện bản lĩnh rất tốt, "vững tay chèo". Thế giới nhìn vào là điểm sáng, nhiều doanh nghiệp háo hức muốn đầu tư, kỳ vọng Việt Nam sẽ tham gia vào những chuỗi giá trị mới.

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thế giới nhìn vào là điểm sáng, dù IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Họ vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam.

Nhìn ra bên ngoài, giống như Việt Nam, Singapore có tỉ lệ thương mại cao gấp mấy lần GDP. Quý I, GDP Singapore tăng 0,1%. Tăng trưởng của Mỹ khi điều chỉnh vừa rồi xuống còn 1,1%, tức là dấu hiệu còn khó khăn trước khi trở lại thuận lợi.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ