(Tổ Quốc) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của lực lượng Công an Nhân dân, Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28-1-1958, Người khẳng định: "Là một bộ phận của cả bộ máy nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính đối với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân". Do vậy, việc giáo dục, rèn luyện, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) toàn diện về mọi mặt, trong đó nâng cao lý lưởng và đạo đức cách mạng của công an là nội dung Bác đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, giữ vững lý tưởng của người CAND theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nghiên cứu các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy Người đặc biệt quan tâm xây dựng lý tưởng và đạo đức người cán bộ công an cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng, tư cách người công an là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho lực lượng CAND làm tròn nhiệm vụ bởi "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang".
Ngay sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, lực lượng CAND vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất của CAND: "Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân". Người Công an cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Như vậy, lý tưởng của người công an cách mạng là dù trong bất cứ tình hình nào, thời điểm lịch sử nào, đều là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người khẳng định "Công an phải nhận rõ nhiệm vụ của mình là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân". Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Làm công an không phải làm quan cách mạng. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cùng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa". Năm 1958, trong Bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương, Người khẳng định: cán bộ công an "phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã. Rồi cán bộ làm cho dân hiểu để nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Khi đó, cả xã hội mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được". Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công an vừa là người hướng dẫn, vừa là "người đày tớ của nhân dân".
Xác định được điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND ngày nay cần thực sự cố gắng mới có tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách và cám dỗ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Cần xác định, mỗi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an đều có ý nghĩa chính trị quan trọng, mỗi thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự đều đem lại lợi thế chính trị cho cách mạng; mỗi sơ xuất, sai lầm đều để lại hậu quả xấu, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của chính quyền, lợi ích của nhân dân. Vì vậy, việc xác định và bồi đắp lý tưởng cao đẹp của người cán bộ công an cách mạng không chỉ là sự quan tâm, chăm lo lực lượng CAND mà còn thể hiện sâu sắc nhân sinh quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, rèn luyện các phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sỹ CAND theo lời dạy và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự là một nhiệm vụ đặc biệt, rất nặng nề, là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp và lâu dài, cuộc đấu tranh ấy không có trận tuyến, không có ngừng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc" . Muốn thực hiện lý tưởng "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", người cán bộ, chiến sĩ công an cần không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ công an cách mạng trước hết phải có phẩm chất đạo đức chung của người cán bộ cách mạng, đó là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là quyết tâm quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Những phẩm chất đạo đức và tư cách mang tính riêng biệt, đặc thù của người cán bộ công an được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét, đầy đủ trong Sáu điều dạy về "Tư cách người Công an cách mệnh". Sáu điều dạy của Người không những thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn biểu hiện cho một yêu cầu, một đòi hỏi bức thiết, bắt buộc về phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, tác phong hoạt động của người công an cách mạng.
Một, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành với Đảng, Chính phủ cũng có nghĩa là trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, mỗi chiến sỹ công an không chỉ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống sự phá hoại của thù trong, giặc ngoài mà còn góp phần làm cho Đảng, Nhà nước ta thực sự trong sạch. Công an là công cụ bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích của nhân dân, đại diện cho lẽ phải, cho công lý và pháp luật. Nếu công an không trung thành hoặc trung thành nhất thời, nửa vời sẽ dẫn đến hành động phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân. Trong điều kiện chiến đấu gian khổ, thầm lặng, người cán bộ, chiến sĩ công an phải thực sự vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có trình độ khoa học kỹ thuật và kiến thức xã hội cần thiết thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Hai, "cần, kiệm, liêm, chính" là phẩm chất trung tâm của đạo đức người công an cách mạng.
Cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, dần dần đi tới xóa sạch chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho từng người chính là để thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong sạch, vững mạnh về chính trị là nền móng cho hành động cách mạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, đồng thời đó là cơ sở để chống kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân và kẻ địch bên ngoài đang hàng ngày, hàng giờ tìm cách phá hoại. Nếu có nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc, tiến bộ sẽ góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh của lực lượng CAND, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, sẽ làm cho nhân dân tin yêu và ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức người cán bộ công an cách mạng còn phải đấu tranh với những biểu hiện phi đạo đức, xây đi đôi với chống; mỗi người phải tự phê bình và phê bình thật thà, đề cao tính tổ chức, kỷ luật, can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình thì mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Người căn dặn: "Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra nghiên cứu, không được tự kiêu tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được".
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lý tưởng và đạo đức người cán bộ công an cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là định hướng cho mọi hoạt động của người cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an không ngừng chăm lo, xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách của người CAND. Đảng ủy Phòng Hậu cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo và đề ra nhiều biện pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tổ chức triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là phong trào ''CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy", "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", bảo đảm xây dựng người chiến sĩ công an "bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ", Tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả các mặt công tác tài chính kế toàn, đảm bảo ngân sách phục vụ công tác thường xuyên một cách đầy đủ, kịp thời, minh bạch, công khai. Làm tốt công tác quản lý vật tư, phương tiện; tiến hành rà soát, trang cấp, điều chuyển các trang thiết bị, phương tiện phục vụ tại các đơn vị, đảm bảo yêu cầu công tác và xây dựng lực lượng của Công an…
Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới đặt ra ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Lực lượng CAND, bên cạnh việc làm tốt công tác chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác còn phải làm tốt công tác xây dựng và bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là một trong những nhân tố góp phần quyết định giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
Trung tá Chúc Hoàng Kim
Phó trưởng phòng hậu cần Học Viện Cảnh sát Nhân dân