(Tổ Quốc) - Nhiều kỳ vọng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu Mỹ-Trung bên lề thượng đỉnh G20 sẽ gỡ rối căng thẳng giữa hai nước vào thời điểm hiện tại.
Một nguồn tin giấu tên từ tờ scmp tiết lộ, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào cuối tháng này tại Nhật Bản có thể đàm phán trực tiếp chính thức thông qua bữa tối thay vì những cử chỉ bắt tay và nói chuyện chóng vánh.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào năm ngoái. Ảnh:reuters
"Cuộc gặp có thể tái hiện lại những hình ảnh mà thượng đỉnh Argentina đã làm trong tháng 12 năm ngoái", nguồn tin tiết lộ.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung lần cuối gặp gỡ bên lề thượng đỉnh G20 tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái đã từng bày tỏ mong muốn chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Bắc Kinh hiện chưa xác nhận chính thức bất kỳ kế hoạch hay thông tin chi tiết nào từ cuộc gặp cấp cao này. Các thông tin đồn đoán sẽ có cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu Mỹ-Trung diễn ra bên lề thượng định G20 tại Osaka, Nhật Bản trong thời gian 28-29/6.
Trong khi đó, Mỹ cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về dự kiến cho cuộc gặp gỡ này mặc dù Tổng thống Trump có nói rằng ông đang chờ đợi cuộc gặp trực tiếp có thể với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/6 đã từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có gặp gỡ bên lề thượng đỉnh G20.
Tổng thống Mỹ Trump trước đó đã khẳng định ông sẵn sàng áp giá thuế bổ sung nếu không có thỏa thuận thương mại đạt được với Trung Quốc.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã khẳng định sẽ quyết định áp mức thuế mới vào Bắc Kinh sau thượng đỉnh G20 trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã nói trong cuộc phỏng vấn trên CNBC rằng Tổng thống Mỹ sẵn sàng áp mức thuế mới cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có ý định tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán.
Theo tờ scmp, nếu có thể, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là dấu mốc quan trọng hàn gắn quan hệ hai nước trong tín hiệu căng thẳng thương mại vẫn đang diễn ra. Từ đó, hai bên có thể cùng ngồi lại đàm phán, gỡ rối các vấn đề khác biệt và tìm hướng giải quyết có thể.