(Tổ Quốc) - Sự phục hồi của lĩnh vực hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương phần nào đã bị ảnh hưởng bởi việc mở lại biên giới chậm hơn của một số nước. Việc số chuyến công tác giảm đi cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của các hãng hàng không lớn trong khu vực, chuyên gia Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS, Singapore cho biết.
Sự lạc quan về đà phục hồi của lĩnh vực hàng không đang dần trở lại. Nhiều hạn chế đối với việc đi lại đã hoặc đang được dỡ bỏ trên toàn thế giới, ngay cả ở những nơi có chính sách biên giới tương đối nghiêm ngặt. Hồng Kông (Trung Quốc) đang nới lỏng một số yêu cầu kiểm tra đối với hành khách nhập cảnh và Nhật Bản cũng đã mở cửa cho các đoàn du lịch nước ngoài từ ngày 10/6.
Dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch bị chậm lại, thậm chí dừng hẳn trong năm 2020. Trong khoảng thời gian này, nhiều hãng hàng không đã chuyển hướng từ vận chuyển hành khách sang vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm cần vận chuyển nhanh như vaccine và nhiều đồ thiết yếu khác.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về tương lai của du lịch hàng không. Một số người lạc quan, dự đoán rằng nhu cầu du lịch quốc tế bị dồn nén lúc này sẽ bùng nổ và thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng, thậm chí là trở lại mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2023.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh, đồng tình với nhận định này tại Thượng đỉnh Hàng không Changi vào tháng Năm. Sân bay Changi của Singapore đã đạt gần 40% công suất đón khách thời kỳ trước COVID-19 vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác có góc nhìn thận trọng hơn. Sự phục hồi đang diễn ra không đồng đều giữa các khu vực và châu Á - Thái Bình Dương đang bị tụt hậu. Theo IATA, du lịch quốc tế ở châu Á vào năm 2021 chỉ bằng 7% so với năm 2019, so với con số trung bình thế giới là 25%. Trong quý đầu tiên của năm nay, số du khách đã tăng tới 60% ở những nơi như châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng chỉ tăng 17% ở châu Á.
Điều này là do quá trình mở cửa chậm hơn ở châu Á, New Zealand và Australia và các hạn chế nghiêm ngặt về Zero COVID của Trung Quốc - một thị trường du lịch quan trọng của cả thế giới.
Triển vọng phục hồi khác biệt đối với du lịch nghỉ ngơi và du lịch công việc
Theo một ước tính, khách đi công tác chiếm 12% hành khách nhưng đóng góp một tỷ trọng lớn hơn trong doanh thu của các hãng hàng không và tới 75% lợi nhuận trên một số chuyến bay nhất định.
Việc dỡ bỏ các hạn chế đã giải phóng nhu cầu bị dồn nén đáng kể của khách du lịch nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi công nghệ ngày càng được ứng dụng cao trong đời sống và các công ty đang dần thích ứng với chiến lược hoạt động này, các chuyến đi công tác đang giảm dần và được thay thế bằng các hội nghị trực tuyến.
Du lịch công tác cũng có thể còn chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại về tính bền vững. Nhiều công ty lớn như Swiss Re và EY đã cam kết giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động kinh doanh. Bill Gates cũng từng dự đoán vào năm 2020 rằng hơn 50% các chuyến công tác sẽ biến mất vĩnh viễn.
Triển vọng phát triển khác biệt của du lịch công việc và du lịch nghỉ ngơi có thể có ba tác động chính đối với ngành hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không quốc gia và các hãng lớn.
Thứ nhất, du lịch nghỉ ngơi nhạy cảm hơn với giá cả. Các ghế ngồi và chuyến bay rẻ hơn thường được mua rất sớm. Và trong khi số chuyến đi công tác giảm sút đồng nghĩa với việc số vé hạng sang hơn bán được ít đi và lợi nhuận của các hãng hàng không giảm đi. Một nhà quan sát trong ngành thông tin với tờ Harvard Business Review rằng giá vé máy bay hiện nay cũng cao hơn một phần vì doanh thu từ các tấm vé cho dân kinh doanh không còn hỗ trợ cho phần còn lại của chuyến bay nữa.
Thứ hai, du lịch nghỉ ngơi thuận lợi cho các hãng hàng không nhỏ. Các điểm đến giải trí có thể di chuyển trong khoảng cách ngắn và có thể cơ động về số chuyến bay. Điều này không giống như các chuyến đi đường dài mà nhiều hãng hàng không lớn hơn như SIA (Singapore Airlines) và Emirates phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chọn những điểm trung chuyển lớn như Singapore hoặc Dubai.
Trước đại dịch, Air Asia đã cạnh tranh hiệu quả với SIA về nhiều tuyến đường ngắn và còn được vinh danh là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới vào năm 2021. Air Asia đã thành công vượt lên Scoot, chi nhánh giá rẻ của SIA.
Thứ ba, phục vụ các điểm đến nghỉ ngơi và khách du lịch phổ thông cũng đòi hỏi các kỹ năng khác với phục vụ các chuyến bay thông thường, hướng đến du khách di chuyển về công việc. Sự khác biệt này là về quản lý đội bay, cung cấp dịch vụ và quan hệ với các chính phủ.
Do đó, triển vọng của các hãng hàng không phục vụ nhiều du khách nghỉ ngơi có lẽ sẽ sáng sủa hơn trong thời gian tới nếu nhu cầu đi công tác chưa quay trở lại trong một thời gian ngắn. Như vậy, các hãng hàng không giá rẻ có thể được hưởng lợi và hoạt động khá tốt. Ví dụ, hãng hàng không giá rẻ easyJet của Anh dự kiến sẽ đạt tới 60% mức hoạt động của năm 2019 trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, so với hãng hàng không quốc gia British Airways, chỉ dự kiến đạt mốc 45% so với cùng kỳ.