• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giúp lao động nữ phát huy hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình

Pháp luật 08/10/2023 16:07

(Tổ Quốc) - Việc bảo đảm cho lao động nữ có thể làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại là góp phần bảo đảm bình đẳng giới về cơ hội việc làm đối với lao động nữ.

Theo Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định về bình đẳng giới trong lao động. Theo đó, nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm: Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong lao động bình đẳng giới được áp dụng theo độ tuổi khi tuyển dụng, nơi làm việc, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, tiêu chuẩn và độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm khi giữ chức danh cũng phải được đối xử bình đẳng giới. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong việc tuyển dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng và điều kiện vệ sinh an toàn lao động trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 135 Bộ luật Lao động 2019, chính sách Nhà nước đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới được quy định cụ thể như sau: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Ngoài ra, Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Theo đó, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

Giúp lao động nữ phát huy hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình - Ảnh 1.

TS.Bùi Thị Mừng, Trường Đại học Luật Hà Nội

Quan tâm đến quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, TS. Bùi Thị Mừng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc bảo đảm cho lao động nữ có thể làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại là góp phần bảo đảm bình đẳng giới về cơ hội việc làm đối với lao động nữ. Quy định này thể hiện rõ quan điểm không loại trừ phụ nữ ra khỏi các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà phải tạo điều kiện để họ được bảo vệ tốt khỏi những ảnh hưởng từ môi trường độc hại.

Với tinh thần đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định "các ngành, nghề công việc nguy hiểm, độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của phụ nữ" thay thế quy định "những công việc không được tuyển dụng lao động nữ" trong Bộ luật Lao động năm 2012. Điều này đã tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm của cả nam và nữ.

Tuy nhiên, việc quy định người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại với ý nghĩa là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới lại tạo ra sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh cho lao động nữ. Vì vậy, cần phải có những sửa đổi cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật để đảm bảo bình đẳng giới.

TS Bùi Thị Mừng nhấn mạnh, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới này thực chất mới chỉ phát huy khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả việc tạo điều kiện để lao động nữ có thể tham gia làm việc trong một số ngành, nghề nguy hiểm tiếp xúc với chất độc hại, trong đó cần phải đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền để người lao động nữ nâng cao ý thức phòng tránh những tác động nguy hiểm từ môi trường làm việc đến sức khoẻ, sức khỏe sinh sản.

*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ