(Tổ Quốc) - Tối 17/8, tại Hà Nội, Quỹ học bổng Vừ A Dính và VinaCapital Foundation (VCF) tổ chức Gala Ngày hội Ước mơ năm 2023 tổng kết và tuyên dương nữ sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi và được nhận học bổng từ chương trình “Mở đường đến tương lai”
Dự chương trình có bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang; bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội.
Gala Dinner gặp mặt, tuyên dương 49 nữ sinh dân tộc thiểu số là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội ước mơ 2023 của dự án Mở đường đến tương lai. Chuỗi sự kiện diễn ra trong 4 ngày tại Thủ đô Hà Nội, tạo cơ hội cho các em cùng nhau nhìn lại năm học thành công đã qua và có được sự chuẩn bị tốt nhất cho cột mốc quan trọng trên con đường học vấn sắp tới. Các buổi hội thảo đào tạo kỹ năng xen kẽ cùng các hoạt động tìm hiểu văn hóa được tổ chức trong 4 ngày sự kiện mang đến cho các nữ sinh cơ hội khám phá và trân trọng lịch sử Việt Nam, gặp gỡ và học hỏi từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia truyền cảm hứng, đồng thời rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho sự phát triển bản thân và sự nghiệp sau này.
Các buổi hội thảo xoay quanh các chủ đề như: những kỹ năng mềm cần thiết trong thế kỷ 21, kỹ năng tìm việc và phòng tránh rơi vào cạm bẫy tài chính. Bên cạnh đó, các em nữ sinh còn được tham quan các địa danh lịch sử nổi tiếng như: Đền Hai Bà Trưng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm Bát Tràng để tìm hiểu về lịch sử nghìn năm văn hiến của Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình, bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" cho biết: "Mở đường đến tương lai" là dự án quan trọng đối với Quỹ học bổng Vừ A Dính. Dự án có tính lâu dài, góp phần tạo cơ hội cho các nữ sinh tiếp tục con đường học vấn và theo đuổi ước mơ của chính mình; đồng thời tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc và miền núi, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam.
Bà Hoa mong muốn các nữ sinh trong chương trình "tiếp tục phấn đấu, làm tốt trách nhiệm của mình, học cho bản thân, gia đình, dân tộc, bản làng, Tổ quốc Việt Nam".
Mở đường đến Tương lai hướng tới mục đích giảm nghèo tại cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo. Bắt đầu triển khai từ năm 2010, chương trình đã trao 2.351 học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bao gồm cả học bổng toàn phần và cung cấp đào tạo kỹ năng thiết yếu cho các bạn nữ sinh sáng giá. Các nữ sinh của Giai đoạn 1 đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều người trở về quê hương để làm việc và hỗ trợ cộng đồng địa phương