(Tổ Quốc)- Tập đoàn Facebook đã thuê cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg tham gia lãnh đạo đội ngũ truyền thông và quan hệ toàn cầu của mình.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh hệ thống mạng xã hội này đang đối mặt với một số vụ bê bối liên quan đến quyền riêng tư, tin tức giả mạo và can thiệp bầu cử.
Việc bổ nhiệm này đã đưa ông Clegg, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do của Anh và là cấp phó cho ông David Cameron từ năm 2010 đến 2015, trở thành chính trị gia cao cấp nhất của châu Âu có vai trò lãnh đạo tại Thung lũng Silicon.
Cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg (Nguồn: ITV/REX/SHUTTERSTOCK)
Facebook cho biết Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và Giám đốc tác nghiệp Sheryl Sandberg đã tham gia chặt chẽ vào quá trình tuyển dụng, và đã bắt đầu đối thoại với ông Clegg trong mùa hè.
Bà Sandberg đã có một bài đăng trên Facebook chúc mừng ông Clegg, "Chúng tôi đang có một hành trình quan trọng. Những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt là rất nghiêm trọng và rõ ràng và hiện tại chúng tôi cần những quan điểm mới để giúp chúng tôi trong thời gian này."
Ông Clegg, 51 tuổi, kế thừa vị trí của Elliot Schrage và sẽ trình diện trước bà Sandberg bắt đầu từ hôm thứ Hai tới.
Ông Clegg đã không giữ được vị trí Phó Thủ tướng Anh sau khi Đảng Bảo thủ giành đa số trong một cuộc bầu cử trong năm 2015 mà đảng của ông đã bị mất đáng kể sự ủng hộ. Ông Clegg cũng đã mất ghế trong quốc hội Anh tại cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
"Trong suốt sự nghiệp công của tôi, tôi đã phải vật lộn với những vấn đề khó khăn và gây tranh cãi, trong khi tìm cách truyền đạt chúng cho người khác. Tôi hy vọng sẽ sử dụng một số kỹ năng đó trong vai trò mới của tôi", ông Clegg chia sẻ trong một bài đăng Facebook.
Schrage, người dẫn đầu nhóm phản ứng của Facebook đối với một số vụ bê bối, đã từ chức từ tháng 6 sau một thập kỷ chung sức với công ty này. Tuy nhiên, Schrage sẽ vẫn ở lại trong vai trò cố vấn, Facebook cho biết.
Facebook đã phải đối mặt với một loạt những lời chỉ trích từ người dùng và các nhà lập pháp từ nhiều quốc gia sau khi Facebook năm ngoái nói rằng các điệp viên Nga đã sử dụng nền tảng này để truyền bá thông tin sai lệch trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Vào tháng 3, công ty này phải đối mặt với những sự giám sát mới về cách họ bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng sau khi thừa nhận rằng dữ liệu của khoảng 87 triệu người đã rơi vào tay tổ chức tư vấn chính trị Cambridge Analytica.