(Tổ Quốc) - Đề cập đến gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, danh sách được nhận hỗ trợ sẽ không rõ ràng như danh sách quản lý hộ khẩu, danh sách tiền lương… nên rất dễ bị lợi dụng.
"Miếng bánh" mà doanh nghiệp nào cũng muốn được chia phần
Chính phủ đang có những động quyết liệt và nhân văn, đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 bằng gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.Giải pháp này sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.
Dù vậy, về phía doanh nghiệp, gói hỗ trợ này chính là "miếng bánh" mà doanh nghiệp nào cũng muốn được chia phần, và càng mong muốn hơn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cần được tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thực thi các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất hiệu quả hơn…
Đứng trước "miếng bánh" đó, có thể dễ dàng hình dung ra đây là thời điểm để một số doanh nghiệp tranh thủ tận dụng cơ hội bằng cách "ôn nghèo kể khổ" nhằm mong được giúp đỡ.
Mới đây, một đơn vị đã đề nghị cho các tập đoàn Nhà nước tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, thời hạn vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% nhằm phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động…
Chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đối với những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp chủ đạo mà thiên hạ chưa "chết" mà họ đã "chết" rồi thì cần phải xem lại. Nếu đã yếu kém như vậy thì không thể xem là doanh nghiệp vai trò chủ đạo.
Vị luật sư này nhấn mạnh, gói hỗ trợ tín dụng này không nhiều nên hãy dành cho các doanh nghiệp thực sự yếu thế.
"Không thể con đẻ thì cứu, con rơi thì kệ... Vừa rồi một lãnh đạo ủy ban đề xuất gói vay lãi suất 0%. Tôi cho rằng với mức lãi suất như vậy chỉ nên dành cho trường hợp trợ cấp người bần cùng. Doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả mà lại được hưởng gói trợ cấp như vậy thì thà rằng cứ để cho "chết" và dành hỗ trợ cho doanh nghiệp khác để họ sống khỏe, sau này họ nộp thuế cho nhà nước, tạo nhiều công ăn việc làm, phát triển thị trường …", ông Trương Thanh Đức nói.
Ông Trương Thanh Đức cũng chia sẻ thêm, với gói hỗ trợ này cần phải có khâu giám sát chặt chẽ, bởi không tránh được tình trạng "đục nước béo cò". Ngoài ra, danh sách được nhận hỗ trợ sẽ không rõ ràng như danh sách quản lý hộ khẩu, danh sách tiền lương… nên rất dễ bị lợi dụng. Vì thế rất cần phải minh bạch, giám sát chặt chẽ.
Cần có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi chính sách
Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin rằng, nhiều doanh nghiệp khẳng định rất khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng, dù Chính phủ đã công bố gói tín dụng và bản thân các doanh nghiệp cũng đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ. Ngay sau khi nghe thông tin, các doanh nghiệp đã liên lạc với ngân hàng nhưng chỉ nhận được phản hồi đại loại như "chưa có thông tư hướng dẫn", "có thông tư nhưng ban lãnh đạo chưa chỉ đạo nên chưa biết hướng giải quyết"...
Theo một số chuyên gia kinh tế, để gói tín dụng hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì nguyên tắc thực hiện chính sách là phải kịp thời, minh bạch, các tiêu chí phải hết sức rõ ràng cụ thể, dễ thực hiện. Đặc biệt, các đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng phải đúng, phải trúng…Càng rõ ràng, công khai… bao nhiêu thì càng giảm tiêu cực, làm sai bấy nhiêu.
Vấn đề này, ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến "4 trong 1" của Chính phủ với các địa phương cũng đã cho biết, gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Không được để tình trạng nơi nào quen biết thì cho hưởng mức thấp, nơi nào không quen biết thì như cũ.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tiếp tục tính toán việc giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Chính vì thế, để gói hỗ trợ này mang lại hiệu quả cao, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết và kịp thời. Đồng thời, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, ưu đãi không đúng đối tượng.