(Tổ Quốc) - Cho ý kiến tại buổi thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào sáng nay (7/1), ĐBQH Mai Văn Hải nêu quan điểm, gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp cần có trọng tâm, trọng điểm.
Cần tập trung vào lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề như du lịch
ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với người dân và doanh nghiệp.
Đồng tình với phương án huy động vốn thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, ĐB Mai Văn Hải cũng đề nghị phương án huy động vốn cần xác định rõ hơn số vốn vay trong nước và số vốn vay nước ngoài; trong đó nên tập trung ưu tiên huy động vốn trong nước là chủ yếu.
Nhận định gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất, tuy nhiên, ĐB này cho rằng cần có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như ngành du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống.
ĐB này cũng đề nghị các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế.
Cùng nói về gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc quy định rõ về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, có kiểm soát để tránh trục lợi chính sách. Tuy nhiên cũng cần tránh thủ tục rườm rà, khó dễ cho đối tượng dẫn đến chậm giải ngân.
"Đối tượng thì rất nhiều mà hỗ trợ có hạn, dễ dẫn đến so bì", ĐB Phạm Văn Hòa cảnh báo.
Lo ngại doanh nghiệp chạy theo "vòng xoáy" vay nợ
Cùng nói về vấn đề trên, ĐB Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách… Nếu lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp phải chạy theo "vòng xoáy" vay nợ, lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm.
ĐB này cho rằng Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm. Nhưng hỗ trợ thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng.
Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề như xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu. Tính toán khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài.
"Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách đi, cung cấp "cần câu" chứ không phải "con cá", ĐB Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Văn Huy cũng cảnh báo việc cần có cơ chế tránh trường hợp doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp "sân sau", tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại gửi ngân hàng để hưởng % chênh lệch (do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi).
Nghịch lý về cung cầu lao động
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía Nam nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cho tới nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người chọn phương án chờ qua Tết mới đi làm. Trong khi đó nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
"Điều này tạo ra nghịch lý về cung cầu lao động. Nơi cần lao động thì không có, nơi có lao động thì rất khó có việc làm" - ĐB Thủy nói.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới. Để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động.
Từ đó, ĐB Thủy nêu 3 kiến nghị đó là: Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức. Thứ hai là dành khoản kinh phí thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân. Thứ ba là dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
ĐBQH đề nghị thay đổi tên dự thảo Nghị quyết
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), các ý kiến trước đó đều chưa đề cập đến tên của dự thảo Nghị quyết. ĐB này cho rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ dịch Covid-19 rất nặng, bình thường mới nhưng số ca mắc rất nhiều.
Vì vậy, ông mong muốn Ban soạn thảo thay đổi tên dự thảo Nghị quyết thành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đại dịch Covid-19.
Chỉ thêm chữ "trong đại dịch Covid-19" đó nhưng hết sức quan trọng vì đủ ý hơn. Như vậy sẽ nhắc nhở mọi người dịch vẫn chưa kết thúc nên phải quan tâm, đồng sức, đồng lòng. Đặt tên như vậy cũng cho thấy tầm nhìn, tinh thần, trách nhiệm, sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ để phục hồi kinh tế từ sớm, từ xa.
ĐB này cũng cho rằng, có 3 mục tiêu trong dự thảo nhưng phần về chống dịch còn rất mơ hồ. Vì vậy, cần bổ sung vào nội hàm phòng chống dịch Covid-19 phải rõ hơn, cụ thể hơn. Mục tiêu 3 cần bổ sung thêm thực hiện phòng chống Covid-19 hiệu quả rồi mới đến đảm bảo an sinh xã hội./.