(Cinet) – Có lịch sử trên dưới vạn năm nhưng gốm thời kỳ Lý, Trần phát triển mạnh mẽ nhất và cũng có thể nói đây là giai đoạn vàng của gốm Việt Nam.
Sản phẩm gốm thời Lý- Trần gồm hai loại chính là gốm trang trí và gốm gia dụng....Sản phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh HươngCinet |
(Cinet) – Có lịch sử trên dưới vạn năm nhưng gốm thời kỳ Lý, Trần phát triển mạnh mẽ nhất và cũng có thể nói đây là giai đoạn vàng của gốm Việt Nam.
Nghề gốm phát triển rải rác khắp các tỉnh thành trên cả nước từ hàng vạn năm trước. Hầu hết vùng nào cũng có nghề làm gốm đặc biệt tại các vùng ven sông. Mặc dù vậy phải đến thời Lý – Trần, tại nước ta mới thực sự xuất hiện các trung tâm gốm xứ mà đến nay vẫn còn hưng thịnh như: Bát Tràng ( Hà Nội); Thổ Hà, Phù Lãng ( Bắc Ninh); Hương Canh ( Vĩnh Phúc)….
Vương triều Lý (1010-1225), Vương triều Trần (1225-1400), quốc gia phong kiến Đại Việt ngày càng hùng mạnh, kinh tế phát triển. Trong bối cảnh đó, nhà nước phòng kiến đã ban hành nhiều đạo luật tích cực thúc đẩy các ngành nghề thủ công, cũng bởi vậy nghề gốm có cơ hội để phát triển một cách mạnh mẽ nhất.
Có thể nói, trong suốt bốn thể kỷ từ thời Lý sang thời Trần, đồ gốm đã đạt được những thành tựu rực rỡ và đây là thời kỳ vàng trong lịch sự phát triển gốm Việt Nam. Quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm và kiểu dáng…đều được mở rộng. Thời kỳ này, nhiều loại men mới cũng được thử nghiệm và có sự ổn định về công nghệ sản xuất cũng như phong cách. Thịnh hành hai loại gốm chính, một là: Gốm trang trí kiến trúc, thường là đất nung để mộc, hoặc phủ một lớp men có giá trị độc đáo. Ví dụ như gạch có in hoa văn để trang trí với nhiều dáng hình, kích thước khác nhau. Hoặc ngói bò có gắn đầu phượng, đầu rồng. Hoặc hình gốm trang trí hình chiếc lá nhọn đầu để gắn trên nóc hoặc riềm nhà… Hai là gốm gia dụng: bát đĩa, ấm, âu, chén, vại, chum, vò…Đặc biệt men trắng cũng xuất hiện ở thời kỳ này ngoài men tro và men đất – những loại thịnh hành từ những thời kỳ trước đó.
Sản phẩm gạch lát nền trang trí hoa văn thời Lý - Trần thế kỷ 11 đến 14 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Ba yếu tố cơ bản tạo nên sự đặt biệt của sản phẩm gốm thời Lý – Trần là: Hình dáng - Hoa văn trang trí, màu men và kỹ thuật nung.
Về hình dáng gốm Lý – Trần ngoài những hình mẫu trong thiên nhiên như hoa, quả là cách tạo dáng của những đồ đồng trước đó. Trang trí trên gốm Lý – Trần, hoa văn hình học chiếm vị trí phụ. Những hoạ tiết chính ở đây là hoa lá, chim, thú, người. Hoa văn trang trí với cách miêu tả giản dị, mộc mạc rất gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam.
Về kỹ thuật, lò nung gốm Lý - Trần có một bước tiến lớn như việc sử dụng các lò cóc, lò nằm, có khi cả lò rồng để nâng nhiệt độ nung cho sản phẩm lên đến 12000C - 13000C. Việc sử dụng bao nung và kỹ thuật nung chồng bằng con kê (lòng dong) được ứng dụng rộng rãi đối với nhiều loại sản phẩm đã cho thấy đạt trình độ sản xuất gốm cao cấp, nhất là gốm men ngọc.
Còn về nước men, những người thợ thủ công giai đoạn này đã tìm tòi và thành công trong việc tạo ra nước men trắng vô cùng đặt biệt.
Một số sản phẩm gốm gia dụng và trang trí thời Lý- Trần |
Gốm thời Lý – Trần phát triển tới mức không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao qua việc sản phẩm gốm thời kỳ này xuất hiện tại rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới.
Lịch sử từng ghi lại, từ đầu nhà Lý đã có nhiều nước tới buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ta như Nam Dương, Xiêm La (Thái Lan)… Tới thế kỷ XII, các thuyền buồm ngoại quốc cập bến nước ta càng đông. Năm 1149, Triều Lý cho lập cảng Vân Đồn, để thuyền bè các nước vào ra buôn bán. Cho tới nay, dọc hai bên bờ bến cảng Vân Đồn còn lại nhiều mảnh gốm của nhiều thời đại ở Việt Nam sản xuất. Trong đó, đặc biệt có nhiều gốm men ngọc của thời Lý.
Trải qua hàng nghìn năm tới nay, các sản phẩm gốm thời Lý – Trần vẫn là những sản phẩm được các nhà sưu tập quan tâm và lùng mua với giá cao. Tại các bảo tàng, sản phẩm gốm Lý – Trần chiếm một vị trí vô cùng quan trọng bởi chúng là minh chứng về thời kỳ vàng của lịch sử gốm Việt Nam.
Bài&ảnh: Lan Hương
(Tham khảo tài liệu tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia)