(Tổ Quốc) - Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 đã và đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của giới chuyên môn, các nhà văn hóa, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ… trên cả nước. Để góp bàn thêm ý kiến về Dự thảo nói trên, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam.
- PV: Thưa ông, Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ với quan điểm tập trung vào 5 điểm cơ bản, ông đánh giá như thế nào về 5 quan điểm này?
+ PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Trước hết, tôi nhận thấy rằng, Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được đầu tư một cách công phu, nghiêm túc. Tôi đồng tình cơ bản 5 quan điểm nêu ra trong Dự thảo vì đã bám sát và quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng ta về xây dựng và phát triền nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; đồng thời có bổ sung và cụ thể hóa một số quan điểm cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Cụ thể là:
5 quan điểm đã thể hiện được các vấn đề: Vai trò, vị trí của văn hóa (Quan điểm 1); Tính chất của nền văn hóa (Quan điểm 2); Mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa (Quan điểm 3); Phương châm, nguyên tắc, phương pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa (Quan điểm 4); Lực lượng xây dựng và phát triển nền văn hóa (Quan điểm 5).
Có 2 nội dung quan trọng, trình bày trong các văn kiện của Đảng về văn hoá, nay được đưa lên thành các quan điểm chỉ đạo, là vấn đề xây dựng con người và vấn đề xây dựng môi trường văn hoá: "Xây dựng nền văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá. Trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản; yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo" (Quan điểm 2) và "Xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hoá; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế" (Quan điểm 4).
Trong từng quan điểm có bổ sung vào những nội dung mới.
Ví dụ: Ở quan điểm 1 về vai trò, vị trí của văn hoá, trước đây chỉ nói "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế", nay thêm vế "hệ điều tiết cho phát triển bền vững đất nước" và "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Trước đây chỉ "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", nay cụ thể hóa thêm vấn đề đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Bổ sung thêm quan điểm xây dựng con người Việt Nam với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo…
-PV: Để thực hiện hóa mục tiêu phát triển, Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 có đưa ra 10 chỉ tiêu phát triển văn hóa, trong đó có 2 mục tiêu tập trung vào lĩnh vực di sản văn hóa, đó là: "Có ít nhất 05 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh"; "95% - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65-70% số di sản trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị". Ông có đóng góp ý kiến gì trước những mục tiêu này?
+ PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Việc đặt ra chỉ tiêu trong Chiến lược văn hóa đến năm 2030 trong đó có những chỉ tiêu về lĩnh vực di sản văn hóa là rất quan trọng và cần thiết, để chúng ta phấn đấu hướng tới. Tuy nhiên, khi đặt ra chỉ tiêu, theo tôi cần phải căn cứ vào nhiều mặt: Về tình hình kinh tế xã hội nói chung của đất nước hiện nay; Dự báo tình hình kinh tế xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030; Thực trạng và nguồn lực đầu tư cho văn hóa của đất nước những năm qua; Các lĩnh vực xác định cần được ưu tiên; Cơ sở lý luận và thực tiễn nào để đưa ra chỉ tiêu trên?
Từ nay đến năm 2030, tức là đến hết Đại hội Đảng lần thứ XV, thời gian chỉ còn 9 năm, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, chưa biết khi nào kết thúc và chúng ta cũng không thể lường hết được những diễn biến tiếp theo. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể nằm ngoài sự phát triển chung của đất nước.
Bởi thế, những chỉ tiêu về di sản văn hóa mà Dự thảo nêu ra như trên, tôi chưa có đầy đủ cơ sở để nói là các chỉ tiêu đó ít hay nhiều, đúng hay sai, đã đầy đủ và hợp lý hay chưa. Tôi chỉ có thể nêu một số ý kiến như sau:
Hiện nay, cả nước có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 13 di sản phi vật thể thế giới. Nếu từ nay đến năm 2030 được UNESCO ghi danh thêm là điều rất tốt, nhưng điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Vì vậy, theo tôi, trước hết, cần đưa ra giải pháp phát huy và ưu tiên đầu tư cho những di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, bởi trong thực tế, có những di sản đã được ghi danh, đã có chương trình hành động nhưng chưa phát huy tốt, hoặc chưa có chương trình hành động và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị.
Tôi đồng tình với chỉ tiêu Dự thảo đưa ra "65-70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị". Điều này rất cần thiết, nếu thực hiện được thì rất tốt và không quá tốn kinh phí.
Cho đến nay cả nước có 119 di tích quốc gia đặc biệt và hơn 3.560 di tích quốc gia. Đây là con số không nhỏ. Theo tôi, cần xác định cơ sở thực tiễn và nguồn lực nào để đưa ra chỉ tiêu "95% -100% di tích quốc gia đặc biệt và 65%-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo". Vấn đề này cần cân nhắc thêm trong Dự thảo. Tôi xin đề xuất thêm: Một là, tất cả các di tích quốc gia đặc biệt phải được làm quy hoạch. Hai là, nên ưu tiên tập trung cho các di tích quốc gia đặc biệt đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, các di tích ở vùng sâu, vùng xa… tránh đầu tư dàn trải. Một vấn đề quan trọng khác, khi đưa ra chỉ tiêu này cần có lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể và những điều kiện để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đó.
Bên cạnh đó, hiện nay cả nước có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, vì vậy, theo tôi, trong chiến lược phát triển văn hóa cũng nên đặt ra chỉ tiêu "100% các bảo vật quốc gia được bảo vệ và phát huy giá trị".
- PV: Nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu đặt ra, Dự thảo Chiến lược có đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp nói chung, với lĩnh vực Di sản văn hóa thì nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra là "Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật như: Di sản văn hóa, Sở hữu trí tuệ… và hệ thống các văn bản dưới luật", đồng thời "Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc"… Là người am hiểu trong lĩnh vực Di sản văn hóa xin ông cho biết ý kiến những giải pháp này?
+ PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Tôi rất tán thành giải pháp đặt ra "Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung giải pháp nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật như Luật Di sản văn hoá, Sở hữu trí tuệ và hệ thống văn bản dưới Luật".
Thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đất nước và tình hình thế giới đòi hỏi luật pháp phải thường xuyên được bổ sung, sửa đổi, đó là điều tất yếu. Sự ra đời của Luật Di sản văn hóa là một bước tiến lớn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nước ta trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế và trên thực tiễn Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được ban hành từ 2009. Trong thực tiễn, nhiều vấn đề nảy sinh đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hoá, vì thời gian cũng khá lâu rồi. Về vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hoá, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đã được nói đến. Và mới đây, Cục Di sản Văn hóa cũng đã thực hiện đề tài cấp Bộ về vấn đề này, trong đó bên cạnh những vấn đề chung, còn đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều điều cho sát hợp với tình hình mới hơn.
Vì vậy, tôi rất ủng hộ và cho rằng đó là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của chúng ta ngày càng tốt hơn.
- PV: Nếu được bày tỏ quan điểm, mong muốn cá nhân để đóng góp cho văn hóa Việt Nam phát triển cũng như khẳng định được vai trò, vị trí của Di sản văn hóa Việt Nam, ông sẽ chia sẻ điều gì?
+ PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Dưới góc độ cá nhân, trong lĩnh vực văn hóa và di sản văn hoá, tôi có nhiều điều mong muốn, đặc biệt mong muốn phải làm cho văn hóa và di sản văn hóa thực sự là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào những vấn đề sau:
Để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế, hệ điều tiết cho phát triển bền vững đất nước" và Văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hoá, mà là cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách phát triển văn hóa cụ thể; tăng nguồn đầu tư, ngân sách cho văn hoá, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa với những cơ chế, chính sách rõ ràng thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho văn hóa và hết sức coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: đào tạo chuyên gia giám định cổ vật, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên đáp ứng yêu cầu số hóa di sản và đặc biệt là đào tạo cán bộ quản lý.
Chẳng hạn, đội ngũ giám định cổ vật của nước ta còn rất thiếu, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong khi đó, những chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn đều đã có tuổi. Nếu không có kế hoạch đào tạo thì sẽ rất khó khăn, thậm chí là hụt hẫng cho công tác giám định cổ vật sau này.
Trong công tác đào tạo cán bộ, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lãnh đạo quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, cần có tiêu chí đối với cán bộ quản lý về văn hoá, đó phải là người có am hiểu văn hoá, hết sức tránh tình trạng đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ quản lý trái ngành nghề, thiếu kiến thức, am hiểu về văn hóa như đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.
Ảnh minh họa
Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đặt ra chỉ tiêu "100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng cấp tỉnh". Chủ trương này đã có từ lâu và thực sự cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động bảo tàng nói chung và bảo tàng các địa phương nói riêng chưa thực sự được quan tâm, chú ý đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến với đông đảo công chúng.
Vì vậy, Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 cần đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể hơn để phát huy giá trị bảo tàng các tỉnh, phân công trách nhiệm cho các đơn vị liên quan để triển khai. Có thể tính đến các giải pháp: Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày; đa dạng hóa hoạt động, quan tâm trưng bày chuyên đề, đề cao tính tương tác với công chúng; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tàng; số hóa các câu chuyện gắn với các hiện vật nhờ sự hỗ trợ của công nghệ cũng như đầu tư dịch vụ bổ trợ, xây dựng các hình tượng, biểu tượng đặc trưng, độc đáo…
Để các địa phương, bảo tàng có thể thực hiện được các giải pháp trên, Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng cần tính đến các cơ sở thực tiễn phân bổ ngân sách cho các địa phương cho phù hợp.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!