• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam

Văn hoá 23/07/2021 14:44

(Tổ Quốc) - PGS.TS. Lê Thanh Bình, Nguyên Vụ trưởng, Phó Đại sứ Việt Nam tại Na Uy, hiện là Giảng viên cao cấp Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có những ý kiến đóng góp rất tâm huyết cho Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030. Chúng tôi xin trân trọng đăng tải ý kiến của ông.

Xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam là một công việc bức thiết, quan trọng, cần được tiếp cận từ nhiều góc độ đặc biệt, bảo đảm tính khoa học, toàn diện, lâu dài, khả thi, phù hợp với bối cảnh khu vực, quốc tế và tình hình nước ta. Là một cán bộ gắn bó với ngành văn hóa, truyền thông và đối ngoại khá lâu, tôi xin được nêu vài ý kiến nhỏ, xuất phát từ cả góc độ chiến lược từ quyền lợi quốc gia, dân tộc, quốc hồn, quốc túy, sức mạnh mềm của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và góc độ chiến lược xét văn hóa là yếu tố cần phát triển để giao lưu với các quốc gia dân tộc khác và văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam, là 1 con đường, giải pháp để tiếp xúc, giao lưu, thân thiện, hợp tác với thế giới và làm giàu thêm bản sắc văn hóa nước nhà.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh 1.

PGS.TS. Lê Thanh Bình, Nguyên Vụ trưởng, Phó. Đại sứ Việt Nam tại Na Uy, hiện là Giảng viên cao cấp Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao

Trong Dự thảo chiến lược do ngành chức năng soạn tôi thấy rất toàn diện, có những điểm thừa kế từ chiến lược trước. Tuy nhiên tôi xin thảo luận thêm và góp vài ý nhỏ. Trước hết, độ dài 10 năm là hơi ngắn để tính toán cho chiến lược, vì thế nên ghi rõ: Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

1. Từ góc nhìn lợi ích quốc gia, lợi ích văn hóa quốc gia là trên hết

Về phần quan điểm, mục tiêu nếu có thể thì bổ sung thêm một số vấn đề mới của hội nhập, toàn cầu hóa. Ngày nay, khi quá trình hiện đại hóa là mục tiêu của đa số các nước nhưng do trình độ phát triển kinh tế, văn hóa các quốc gia, khu vực khác nhau, do hệ giá trị văn hóa không tương đồng, truyền thống văn hóa, tính cách dân tộc đa dạng... nên quốc gia nào cũng phải cân nhắc đến lợi ích của mình, an ninh của mình, đó là một thực tế khách quan. Vì thế, trong Dự thảo chiến lược cần có quan điểm kết hợp lợi ích quốc gia về văn hóa ở trong tổng thể lợi ích quốc gia và coi văn hóa là một bộ phận quan trọng trong lợi ích tổng thể đó. Hàm ý của nó là chỉ quốc gia dân tộc phải bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp, độc đáo của mình, quan niệm giá trị đúng đắn, tính dân tộc của văn hóa, tính độc lập và sức kết tụ văn hóa dân tộc của nước mình. Bảo vệ và tin tưởng vững chắc hình thái ý thức về truyền thống văn hóa nhân văn, tiến bộ và các tín ngưỡng tốt đẹp như bộ gien di truyền của văn hóa dân tộc cũng là bộ phận quan trọng của lợi ích quốc gia của một nước.

Bác Hồ từng nói: Chiêng có to thì tiếng mới vang. Về nội lực văn hóa, Dự thảo chiến lược cần làm rõ cần tập trung xây dựng những thành tố gì, lĩnh vực gì? Theo tôi, cần tập trung xây dựng những cái cốt lõi như:

+ Đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, thưởng phạt đối với cán bộ văn hóa: Khâu con người phải chú ý đầu tiên và làm rõ các tiêu chí nói trên thật chuẩn xác, công bằng, kịp thời; phải chú ý đến người tài năng, tâm huyết. Phải đề cập đến việc kiện toàn các tổ chức Hội đồng đánh giá, cách thức đánh giá, xoáy vào hiệu quả công việc văn hóa, thành quả đạt được, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cần nhấn tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ văn hóa ngắn gọn như. Lòng thành tín, đạo nghĩa, trách nhiệm.

+ Cần xây dựng bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa giai đoạn mới phù hợp thực tiễn, với những nội dung gọn, dễ nhớ, có tính chỉ đường, là phương hướng cho hành động mọi người, ví dụ như Bác Hồ thường dạy cán bộ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng và nhiều điều có tính hướng thượng, nhân văn khác (Có lần, một giáo sư Nhật nhận xét với tôi rằng: Một quốc gia nếu tinh thần hào hiệp, hướng thượng thấp thường dễ sa vào nghèo đói, khó có tầm nhìn xã hội xa, rộng; tất nhiên đó chỉ là quan điểm của một nhà khoa học). Gia đình là tế bào quan trọng trong xã hội Việt Nam dù ở thời hiện đại, vì thế trong chiến lược cần đề cập đến xây dựng nếp sống hòa thuận, hiếu đễ, nhân văn, hiện đại. Trong dự thảo chiến lược, đảm bảo xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn mực cho người Việt vừa tiếp thu nét đẹp truyền thống vừa gắn với chân, thiện, mỹ, vừa hiện đại, để công chúng nhất là người trẻ có định hướng đúng, hướng thượng, có thể chủ động tiếp thu văn hóa nước ngoài nhưng miễn nhiễm các loại rác thải văn hóa ngoại lai.

+ Nên chú ý xây dựng (trước hết chọn lọc thử nghiệm) một số ngành thuộc công nghiệp văn hóa vì đó là những ngành công nghiệp không khói có thể mang lại nhiều hiệu quả, kể cả lợi nhuận. Ví dụ Điện ảnh (tập trung thể loại phim Việt Nam có lợi thế, dễ xã hội hóa, hợp thị hiếu công chúng, có thể lồng tiếng và phụ đề tiếng Anh để xuất khẩu); Âm nhạc có giai điệu Việt nhưng có thể sáng tác ca từ tiếng nước ngoài và có thể tham dự thị trường khu vực, quốc tế; Thời trang kết hợp ẩm thực cũng nên chú trọng phát triển. Các sản phẩm văn hóa dù nổi tiếng lâu đời của nước ta như áo dài, nón quai thao, mẫu yếm đào… cần sớm làm thủ tục đăng ký bản quyền đúng luật quốc tế tránh bị nước khác tranh đoạt bản quyền. Dự thảo chiến lược mới cũng nên làm rõ việc đăng ký các danh hiệu Di tích lịch sử trong nước và tại UNESCO hướng tới phát huy yếu tố hiệu quả. Tức là có danh hiệu rồi thì phải kèm giải pháp, phải duy tu, bảo quản, đầu tư tài chính, phát huy thế nào đối với các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch...

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Gia Linh)

+ Các mặt khác cần đề cập trong Dự thảo chiến lược như: Thiết chế quản lý, cơ sở vật chất, đầu tư tài chính, hợp tác quốc tế, biện pháp xã hội hóa, tổ chức đấu thầu công trình văn hóa, xây dựng Quỹ văn hóa, bảo vệ di tích, di sản, công tác nghiên cứu, dự báo... tôi không phân tích sâu ở đây. Dự thảo chiến lược của Nhà nước có sứ mệnh định ra các biện pháp khả thi, hiệu quả để phát triển văn hóa dân tộc, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp, tiếp thu các giá trị thời đại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thêm sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam (ở cả trong nước và những nước khác có người Việt sinh sống). Một nền văn hóa phát triển, tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc tiến bộ của dân tộc sẽ là nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, có sức kháng cự trước những tác động từ các yếu tố văn hóa bên ngoài, các yếu tố văn hóa không phù hợp và góp phần chống lại mưu đồ xảo quyệt của thế lực nước ngoài muốn lũng đoạn chính trị, kinh tế- xã hội nước ta, xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, an ninh văn hóa đất nước. Tóm lại, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phải nhấn mạnh xây dựng văn hóa nước nhà thành quốc lực, nền tảng tinh thần, chỗ dựa và niềm tự hào cho người Việt Nam.

2. Từ góc độ xây dựng văn hóa vừa đảm bảo góc độ nêu trên vừa ở cả phương diện giao lưu, hội nhập, dĩ nhiên là lấy xây dựng nền văn hóa thành quốc lực, nền tảng vững bền là gốc.

Về nhiệm vụ, giải pháp: Dự thảo tương đối tổng thể, tuy nhiên nếu có thể cụ thể thêm một số điểm mấu chốt thì sau này việc triển khai thuận lợi, trách nhiệm rõ hơn. Văn hóa không đóng khung, bó hẹp ở trong quốc gia mà luôn có sự giao tiếp, giao lưu, tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa nơi khác, hợp tác trao đổi với quốc tế để làm giàu cho chính văn hóa bản địa. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh giao lưu văn hóa, cần đề cập rõ hơn những vấn đề sau trong Dự thảo chiến lược:

+ Về công tác quản lý một lĩnh vực rộng, đa ngành, thiên về năng lực sáng tạo là giao lưu văn hóa, nhà nước nên chú trọng lựa chọn cán bộ quản lý chủ chốt là các chuyên gia vừa am hiểu chuyên môn, vừa hiểu cơ chế quản lý để chỉ đạo sát hợp, hiệu quả. Các cơ quan quản lý liên quan giao lưu văn hóa (Ví dụ phân công: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì - điều tiết; Các Bộ ngành tham gia với nhiệm vụ rõ ràng: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại, Bộ Thông tin truyền thông, các Đài báo lớn, các địa phương…) cần chủ động phối hợp với nhau để xây dựng một Chiến lược cụ thể (trước hết là Dự thảo) về phát triển văn hóa (mà giao lưu văn hóa và các phần liên quan là các bộ phận), trong đó bao gồm toàn diện, đầy đủ về mục tiêu, nguyên tắc, nguồn lực, cách thức triển khai, trách nhiệm chi tiết các đơn vị để thực hiện giao lưu văn hóa dài hạn sau 2020, tầm nhìn đến 2045-2050.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Trung tâm Festival Huế)

+ Rút kinh nghiệm từ hoạt động giao lưu văn hóa trong Chiến lược phát triển văn hóa 10 năm qua (đến 2020), nhất là mốc sau Đại hội XIII của Đảng ta (2021) với tầm nhìn mấy chục năm tiếp theo của Dự thảo chiến lược mới, một mặt cần kiện toàn công tác quản lý, giám sát các hoạt động quảng bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa không chỉ thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, điều chỉnh chính sách mà cần áp dụng công nghệ hiện đại trong lưu trữ, phân tích, xử lý, phân phối các sản phẩm văn hóa, chia sẻ thông tin và bảo đảm an toàn nội dung thông tin. Chính sách và văn bản pháp quy phải đảm bảo tính khả dụng, khoa học, hiệu quả lâu dài để không chỉ cán bộ chuyên môn mà mọi công dân tốt (luôn tuân thủ thành tín, đạo nghĩa và tinh thần trách nhiệm) có thể làm căn cứu để tùy theo hoàn cảnh của mình, tích cực sáng tạo, đóng góp cho giao lưu văn hóa hiện đại.

+ Cần chú ý đến yếu tố truyền thông (trong Dự thảo nên mạnh dạn thay chữ "tuyên truyền" thành truyền thông nghĩa rộng và đúng hơn thời hội nhập), vai trò của truyền thông đại chúng trong giao lưu văn hóa trong Dự thảo chiến lược mới. Trong thời kỳ hội nhập, các phương tiện truyền thông hiện đại có thể liên tục truyền bá, phổ cập thông tin, hình ảnh, âm thanh… mọi mặt đời sống văn hóa, giá trị văn hóa cho công chúng. Công chúng ngày nay phân thành nhiều nhóm, không chỉ kết nối với cư dân trong nước mà còn với cư dân nước ngoài nhờ internet, mạng xã hội.

+ Giao lưu văn hóa gắn bó hữu cơ như hình với bóng, tương thông với ngoại giao văn hóa nên trong Dự thảo chiến lược nên có cụm từ nói về giao lưu, phát triển văn hóa và Ngoại giao văn hóa, Văn hóa đối ngoại. Phải coi ngoại giao văn hóa là lĩnh vực có thể tiếp xúc, mở đường, vận động, trao đổi, tiếp thu, quảng bá nhằm tăng cường hiểu biết, thân thiện, tín nhiệm giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch, các dịch vụ khác trong văn hóa nghệ thuật và tiến tới cả trong kinh tế, giáo dục, môi trường- xã hội…v.v. Trong Dự thảo có nêu vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, có thể nhấn thêm vai trò họ là đối tượng có vai trò kép: vừa cần truyền bá, giải thích chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước, đưa văn hóa dân tộc đến với họ để họ gìn giữ phát triển truyền thống lại làm cho họ lan tỏa, khuếch tán các sản phẩm, giá trị văn hóa Việt đến các nước sở tại.

+ Trong mục 1. đã đề cập khái quát, nay nhấn mạnh thêm rằng, Dự thảo Chiến lược phải dành phần nói về thưởng phạt, tôn vinh, sử dụng, đãi ngộ những người tài giỏi trong hoạt động văn hóa nói chung; giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa nói riêng cần công bằng, kịp thời, đảm bảo thực chất. Phần phân công nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chung chung, có thể nên đề cập rộng thêm vấn đề sau: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ người làm việc trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, ngoại giao văn hóa (Các Đại học Văn hóa, Âm nhạc, Sân khấu - Điện ảnh, Mỹ thuật, Múa, Xiếc, Học viện Ngoại giao…); cải tiến chương trình giảng dạy theo kịp khu vực và quốc tế cả chuyên môn và ngoại ngữ, đồng thời vừa chọn lọc kỹ người học đầu vào, lại vừa có đầu ra hình chóp để người tốt nghiệp Đại học và sau đại học có thể đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nước ta.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Mặt khác, phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chuyên môn giữa các nhà hoạt động về văn hóa, giao lưu văn hóa, ngoại giao văn hóa, văn hóa đối ngoại; các học giả, văn nghệ sĩ, nhà sáng tác… Tăng cường chọn lọc cử giảng viên giỏi, tâm huyết đi đào tạo tại các nước có thành tựu các lĩnh vực trên; đối với sinh viên, học viên tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài ở các bậc học, cần có chủ trương khả dụng để mời gọi, tuyển dụng về làm việc cho cơ sở đào tạo, đơn vị tác nghiệp nêu trên tại Việt Nam. Đối với các ngành công nghiệp văn hóa, thủ công mỹ nghệ đặc sắc, nhà nước cần chọn lọc những ngành nghề ta có lợi thế về chế tác, nguyên liệu, truyền thống lâu đời, có thị trường tiêu thụ trên thế giới để xây dựng, phát triển.

+ Để hoạt động giao lưu văn hóa nói riêng, phát triển văn hóa nói chung có hiệu quả, trong Dự thảo chiến lược mới nên đề cập vấn đề đầu tư đầy đủ, kịp thời cả về con người (đặc biệt chú trọng người tài), cải tiến bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, trang bị cho lĩnh vực này. Không nên đầu tư theo kiểu bình quân mà nên đầu tư căn cứ vào kết quả đầu ra, với đội ngũ thẩm định uy tín, tổ chức độc lập (có thể mời cả chuyên gia nước ngoài). Đối với một số lĩnh vực có tác dụng truyền thông quảng bá văn hóa rõ nét, dễ kết nối với thế giới như văn học, âm nhạc nên chú trọng đầu tư nhiều hơn. Chẳng hạn nên đầu tư cho dịch thuật và phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật (nhất là thơ ca, tiểu thuyết) có giá trị nổi bật, có thể đầu tư, tạo điều kiện để các Ban nhạc hát tiếng Anh, nhạc sĩ sáng tác tiếng Anh có tác phẩm dự thi các Giải khu vực và thế giới. Phần chỉ tiêu giải quốc tế (Ví dụ Văn học ASEAN), ngoài nêu cụ thể số lượng, nên nêu rõ biện pháp cụ thể để chọn lọc đúng tác phẩm có tầm và không bỏ sót tác phẩm tiêu biểu.

Tôi thấy Dự thảo chiến lược thời kỳ mới nên cụ thể, chi tiết thêm, do tính chất quan trọng của giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045-2050.

NỔI BẬT TRANG CHỦ