• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý Dự thảo Luật Di sản sửa đổi: Tìm cách "phục hồi di sản" đối với các di sản có nguy cơ mai một, thất truyền

Pháp luật 04/12/2023 11:01

(Tổ Quốc) - Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị - hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Theo đó, nhiều ý kiến đã đóng góp ý kiến cho nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, chưa được ngăn chặn

Theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa (DSVH) vô cùng phong phú bao gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể. Sự ra đời của Luật DSVH cùng với các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng và trực tiếp nhất để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể. Hàng vạn DSVH phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ khoa học và nhiều di sản được ghi danh ở trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, đặc biệt là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Từ những kinh nghiệm thực tiễn bảo vệ DSVH phi vật thể của các nước, chúng ta có thể rút ra bài học để vận dụng vào quá trình xây dựng các chính sách bảo vệ DSVH phi vật thể ở Việt Nam, nhất là các DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Góp ý Dự thảo Luật Di sản sửa đổi: Tìm cách "phục hồi di sản" đối với các di sản có nguy cơ mai một, thất truyền - Ảnh 1.

Di sản hát Xoan, Phú Thọ. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo TS. Nguyễn Đắc Thủy, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ra đời sau pháp luật về di sản văn hóa vật thể, nên trong cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ cũng bị ảnh hưởng theo góc độ di sản văn hóa vật thể.

"Thực tế cho thấy, việc đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào một danh sách thường dẫn đến khuynh hướng nhìn nhận rằng, những danh hiệu đi kèm các danh sách này chủ yếu để xác nhận giá trị di sản, vinh danh, quảng bá nâng cao hình ảnh của di sản mà chưa thấy được tầm quan trọng và nội hàm của chiến lược và các biện pháp bảo vệ di sản, hoặc trong một số trường hợp là việc khẩn cấp bảo vệ các loại hình di sản này"- TS. Nguyễn Đắc Thủy cho hay.

Hay một vấn đề khác là, chúng ta có chủ trương không xếp hạng, mà kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, mặc dù trong hướng dẫn thực hiện kiểm kê có ghi rõ "ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp", Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Danh mục quốc gia) chưa thể hiện rõ về tình trạng sức sống của các loại hình di sản, chẳng hạn loại hình nào đang có sức sống tốt, loại hình nào đang ở tình trạng khẩn cấp hoặc cực kỳ khẩn cấp, ngoại trừ các loại hình nằm trong các danh sách của UNESCO…

Ngoài ra, chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể con chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu. Đa số các Nghệ nhân ưu tú không thuộc diện và không nhận được hỗ trợ do không đạt được tất cả các tiêu chí. Trong khi đó, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là: Giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại. Thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu và mất đi mà chưa tìm được lớp người kế cận, chưa kịp truyền thụ cho các học trò, đặc biệt là trao truyền các "ngón nghề", bí quyết trong việc ứng tác, điều chỉnh nhạc cụ…

Cần có một quy định về "phục hồi di sản"

TS. Nguyễn Đắc Thủy đã đề xuất bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung quy định về bảo vệ DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Cụ thể, đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật một điều quy định về "phục hồi di sản" đối với các Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Có thể đặt thành một điều riêng, hoặc đưa vào một khoản thuộc điều 27 trong dự thảo Luật sửa đổi.

Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn các tiêu chí DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Có thể đưa thêm tiêu chí "thực hành di sản sai lệch nghiêm trọng dẫn đến làm biến đổi giá trị và ý nghĩa của di sản".

Góp ý Dự thảo Luật Di sản sửa đổi: Tìm cách "phục hồi di sản" đối với các di sản có nguy cơ mai một, thất truyền - Ảnh 2.

Tục Nhảy Lửa của người Pà Thẻn, Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nam Nguyễn

Thứ ba, bổ sung các Quy định về công tác nghiệp vụ của bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền còn thiếu và chưa đầy đủ như hướng dẫn kiểm kê, cập nhật kết quả kiểm kê và công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; tiếp tục kiểm kê, cập nhật thông tin, số liệu, hiện trạng thực hành di sản; cơ chế ưu tiên các hoạt động truyền dạy di sản có nguy cơ mai một tại cộng đồng cho thế hệ kế cận; Khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; ưu tiên kiểm kê, ghi danh, xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị; cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản; xây dựng ngân hàng dữ liệu số về DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền;

Thứ tư, bổ sung các quy định về hành vi bị xử phạt vi phạm liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; quy định rõ trách nhiệm hành vi gây nguy cơ hủy hoại và làm giảm giá trị DSVH phi vật thể, tùy tiện đưa yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di sản;

Thứ năm, bổ sung quy định cụ thể về quyền lợi và chế độ hỗ trợ riêng cho các đối tượng là nghệ nhân dân gian đang sở hữu và thực hành DSVH phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; không phải chế độ chung giống như danh hiệu được nhà nước vinh danh như Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Trong khi đó, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì, việc khai thác và sử dụng di sản văn hóa phi vật thể cần có phương pháp và cách thức phù hợp với từng loại hình di sản nếu không sẽ tác động tiêu cực đến di sản.

Lấy ví dụ về sự kiện năm 2022, tại khu vực Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, một nhóm cộng đồng đã thực hiện việc khai thác một phần của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhóm tổ chức hoạt động này xuất phát từ mục đích tuyên truyền, giới thiệu về di sản - đây là mục đích hoàn toàn tích cực. Song xét về nguyên tắc liên quan đến thực hành di sản văn hóa phi vật thể thì không phù hợp và hoạt động này sau đó đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có văn bản nhắc nhở. Tuy nhiên, tại thời điểm trên, việc khai thác và sử dụng di sản văn hóa phi vật thể chưa được quy định rõ ràng, nên rất khó trong việc xử lý vi phạm.

Được biết, tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định rõ việc khai thác và sử dụng di sản phải đảm bảo 11 nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, với việc quy định chi tiết như trong dự thảo vấn đề khai thác và sử dụng di sản văn hóa phi vật thể là phù hợp với thực tiễn và tạo hàng lang pháp lý quan trọng định hướng về nguyên tắc trong các hoạt động khai thác và sử dụng di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa các hiện tượng khai thác và sử dụng di sản văn hóa phi vật thể xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc./.

T.Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ