• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

Văn hoá 18/10/2018 07:57

(Tổ Quốc) - Chiều 17/10, tại Đà Nẵng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo sở, ngành văn hóa trên cả nước. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chủ trì hội thảo.

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Theo Bộ VHTTDL, quá trình quản lý dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, cũng như chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không đáp ứng được với tình hình phát triển kinh tế của đất nước hiện nay, cũng như chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể như: Các quy định về điều kiện chưa rõ ràng, không còn phù hợp, gây khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan nhà nước. Hoạt động karaoke, vũ trường chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng đã tạo nên hiện tượng biến tướng để lách luật như biểu diễn nghệ thuật, hát, nhảy múa tại phòng thu âm, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán bar…

Thêm vào đó, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường đã có cải cách nhưng vẫn còn thiếu quy định về việc cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép. Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sai phạm, kinh doanh không có giấy phép hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong việc quản lý hoạt động văn hóa này.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, Bộ VHTTDL cho rằng việc ban hành Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là cần thiết. Sự ra đời của Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được thống nhất thực hiện theo các quy định của pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay.

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chủ trì hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Phát biểu tại hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết hội thảo vừa lắng nghe ý kiến của các đơn vị, vừa đề nghị các đồng chí lãnh đạo ngành văn hóa góp ý đến nơi đến chốn, cái gì phù hợp, cái gì không phù hợp và vì sao? Nếu không phù hợp thì đề xuất như thế nào? Cục Văn hóa cơ sở sẽ tổng hợp tiếp thu và báo cáo lãnh đạo Bộ, sau đó có điều chỉnh phù hợp, nếu làm tốt thì sau này khi văn bản ra đời sẽ rất dễ thực hiện.

"Hoạt động này (karaoke, vũ trường - PV) có tốt hay không, có phù hợp hay không thì phụ thuộc vào nhà quản lý", bà Hương cho biết.

Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng – ông Hà Vỹ cho biết, trong điều 14, chương III quy định chỉ sử dụng các bài hát trong danh mục được phổ biến, lưu hành Quy định bao gồm chỉ sử dụng ca khúc được công bố hay không được sử dụng ca khúc cấm? Quy định này là chưa rõ ràng, nếu sau này có chế tài khác liên quan đến vấn đề này mà dẫn đến chấm dứt hoạt động kinh doanh thì "oan" cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề cơ quan bản quyền tác giả cần xử lý".

Trong lúc đó, có đại biểu nêu quan điểm cần phải quy định độ ồn, chứ không ảnh hưởng lớn tới nhà dân xung quanh. Vị đại biểu này cho biết đã có tình trạng nhiều nhà dân sống gần các quán karaoke, vũ trường phải bán nhà đi nơi khác sinh sống vì chịu không nổi âm thanh từ các quán này phát ra. Vì thế, ngành văn hóa cần tham mưu để đề xuất các cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ hơn.

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường - Ảnh 3.

Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho rằng, Nghị định càng cụ thể càng rõ để người dân dễ thực hiện. Về điều kiện kinh doanh vũ trường, danh mục bài hát cho phép... nên rõ ràng hơn để các cơ sở biết, tránh sai phạm.

Quy định về "bài hát, tác phẩm phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục" vẫn chưa rõ ràng. Bộ VHTTDL nên cần thiết phải có điều kiện quy định cụ thể để địa phương có cách xử lý cho phù hợp trong thực tế.

Ngoài ra, về điều khoản không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi trong điều 14, chương III cũng không khả thi.

Ông Trạng nêu ra thực trạng ở An Giang hiện nay là phát sinh ra loại hình kinh doanh mới là "karaoke di động". Có nghĩa là có cái xe, có màn hình, họ mở ra vẫn hát karaoke bình thường.

"Cái này (karaoke di động - PV) có nằm trong diện quản lý của mình không? Có cấm không? Chúng tôi xin ý kiến để địa phương biết cách quản lý loại hình mới này", ông Trạng nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hà Vỹ cho biết chuyện này (karaoke di động) rất thực tế và thú vị. "Chúng ta chỉ nói về karaoke trong không gian khép kín, còn karaoke ngoài thì sao? Tôi nghĩ vấn đề này cần lưu ý", ông Vỹ nói.

Được biết, hạn lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ diễn ra đến hết ngày 24/11/2018.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ