• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý xây dựng hệ giá trị con người gắn với hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Văn hoá 23/03/2018 10:51

(Tổ Quốc) - Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo về “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”.

Đây là chuyên đề mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ báo cáo Hội đồng lý luận Trung ương trước khi trình Bộ Chính trị nhằm đưa vào nội dung văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13. Lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - đơn vị xây dựng dự thảo nhấn mạnh, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ  giá trị chuẩn mực con người là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam- nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 33 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đề tài “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” nằm trong khuôn khổ các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước của Hội đồng lý luận Trung ương mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là người báo cáo.

Toàn cảnh Tọa đàm góp ý Dự thảo xây dựng Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (ảnh Hồng Hà)

PGS.TS Từ Thị Loan, Thư ký tổ xây dựng Dự thảo nhấn mạnh những điểm mấu chốt của chuyên đề, bao gồm: nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; căn cứ xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; nội hàm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; giải pháp xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

“Ban soạn thảo mong muốn lắng nghe các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, đặc biệt  về các khái niệm và nhóm giải pháp sao cho đáp ứng được các tiêu chí khoa học, ngắn gọn và khả thi. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu báo cáo Bộ trưởng cũng như chỉnh sửa dự thảo…”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Theo dự thảo, nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam được xác định trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống, trong đó một số giá trị lỗi thời thì cần sàng lọc, loại bỏ. Bên cạnh đó, tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, những giá trị mới, tiến bộ của thời đại.

Dự thảo gồm 5 phần, ngoài phần Mở đầu là Phần I, Khái lược một số vấn đề lý luận chung gồm khái niệm về hệ giá trị, nguyên tắc xác định hệ giá trị, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người; căn xứ xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phần II là Sự biến động của hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người ở Việt Nam hiện nay. Trong đó đề cập đến thực trạng biến động các giá trị văn hóa và con người Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại; Xu hướng vận động của hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phần III của dự thảo đề cập đến Hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong đó cụ thể hóa từng giá trị là Dân tộc, Dân chủ, Nhân văn, Pháp quyền, Hòa hợp.

Phần IV dự thảo nêu Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gồm: Yêu nước, Trung thực, Sáng tạo, Trách nhiệm, Kỷ luật.

Dự thảo cũng dành phần V để nêu các giải pháp, nhóm giải pháp để xây dựng các hệ giá trị này. Trong đó có nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, cơ chế ở tầm vĩ mô; nêu cao vai trò gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội; tuyên truyền, giáo dục; phát huy vài trò của gia đình; phát huy vai trò của nhà trường; phát huy vai trò của môi trường xã hội; nâng cao vai trò của ngành văn hóa.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho rằng, giá trị lý luận và khoa học của chuyên đề và mục đích hướng đến là phải tạo sự đồng thuận, tính khả thi, trong đó cần thể hiện nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người.

“Hệ giá trị con người phải được gắn kết với hệ giá trị văn hóa, bởi từ giá trị của từng con người cụ thể mới tạo nên hệ giá trị của một nền văn hóa. Bên cạnh tính duy lý, gắn với những giá trị pháp quyền, dự thảo cần bổ sung thêm các yếu tố gắn với những giá trị nhân văn, tình yêu thương con người. Bên cạnh giải pháp về tính nêu gương của các tầng lớp lãnh đạo, quản lý thì cũng rất cần thiết nêu gương, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt trong cuộc sống, bởi những yếu tố bình dị đó lại tác động thiết thực đến việc xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…”- bà Nguyễn Phương Hòa cho biết.

Dự thảo xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người VN gồm: Yêu nước, Trung thực, Sáng tạo, Trách nhiệm, Kỷ luật (ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh, dự thảo chuyên đề có tầm bao quát và sức tác động, ảnh hưởng lớn, do vậy phải đảm bảo tính khái quát, khoa học, logic và ngắn gọn. Trong đó, chú ý phần giải trình các khái niệm về các giá trị chuẩn mực, bám sát tinh thần Nghị quyết số 33.

Một số ý kiến lưu ý nội dung dẫn nối từ yếu tố truyền thống đến hiện đại cần được tách bạch, rõ ràng. Đơn cử như giá trị “hòa hợp” trong phần hệ giá trị văn hóa, cần khẳng định sự cần thiết của giá trị này đối với nền văn hóa Việt Nam với đặc thù của một quốc gia đa dân tộc. Tuy nhiên, “hòa hợp” không phải là “không cạnh tranh”, dự thảo cần thể hiện rõ yếu tố “cạnh tranh để phát triển” trong hệ giá trị này.

Các yếu tố liên quan đến hệ thống giải pháp cũng được đặc biệt quan tâm. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung dầy dặn hơn các giải pháp cụ thể thuộc từng nhóm. Ví dụ, trong nhóm giải pháp phát huy vai trò của gia đình thì các giải pháp cụ thể để khẳng định giá trị cốt lõi của gia đình, nơi đầu tiên xây dựng nhân cách của mỗi con người cần được thể hiện rõ ràng hơn.

Kết thúc Tọa đàm, ông Bùi Hoài Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo đồng thời cho biết, nhóm xây dựng Dự thảo sẽ căn cứ các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm để hoàn thiện, bổ sung dự thảo và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong thời gian tới./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ