(Tổ Quốc) - Để vượt qua những rào cản và vươn tới thành công trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, GS Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, cho rằng, làm khoa học cũng có sự tương đồng như chơi World Cup.
Ngày 17/12/2022, trong chương trình giao lưu cùng với Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture mùa thứ 2, nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã đến Việt Nam và có những chia sẻ ấn tượng về giải thưởng này.
Là một trong những người đang "cầm cân nảy mực" cho giải thưởng VinFuture trong 2 mùa qua, GS Nguyễn Thục Quyền, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng vừa có những chia sẻ giải thưởng năm nay và hành trình của nhà khoa học nữ, nhất là những thách thức và thành công.
VinFuture – Giải thưởng đưa Việt Nam ra thế giới
PV: Hai năm liên tiếp là người "cầm cân nảy mực" cho giải thưởng VinFuture, đến thời điểm này, bà đánh giá thế nào về giải thưởng VinFuture 2022 so với năm trước?
GS Nguyễn Thục Quyên: Trong hai năm qua, tôi nhận được phản hồi rất tích cực của cộng đồng khoa học quốc tế về giải thưởng VinFuture của Việt Nam. Đó là họ rất ngạc nhiên, khâm phục về tiêu chí của giải thưởng rất khác biệt so với những giải thưởng khoa học toàn cầu khác. Bởi giải thưởng hướng tới những công trình, phát minh phụng sự nhân loại, không phân biệt người giàu, người nghèo.
Trong năm nay, tôi thấy rằng số lượng đề cử của giải thưởng tăng lên rất nhiều. Trong số đó, đề cử đến từ nhiều ngành khác nhau. Đây là sự khác biệt so với năm ngoái. Hơn nữa, chất lượng của các đề cử cũng rất là tốt. Do đó, Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng phải làm việc rất là cực (cười - PV), nhưng chúng tôi đều rất vui. Bởi Quỹ VinFuture nói chung và giải thưởng VinFuture nói riêng giờ đây được toàn cầu biết tới.
PV: Chủ đề của giải thưởng năm nay là "Hồi sinh và Tái thiết". Những đề cử năm nay liệu có đáp ứng được tiêu chí này hay không, thưa bà?
GS Nguyễn Thục Quyên: Chúng tôi thấy rằng các đề cử năm nay rất phù hợp với tiêu chí của chủ đề giải thưởng VinFuture 2022. Trong 50 đề cử nhận được sự đánh giá cao nhất, có nhiều đề cử xoay quanh lĩnh vực trồng trọt, pin, pin năng lượng mặt trời, vật liệu mới, y khoa… Đây đều là những công trình có sức ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực quan trọng trên thế giới, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người.
Đương nhiên, nếu mọi người tò mò thì hãy kiên nhẫn chờ tới tối ngày 20/12/2022, những chủ nhân của giải thưởng VinFuture năm nay sẽ được công bố chính thức. Tôi tin rằng mọi người sẽ bị thuyết phục bởi kết quả này.
PV: Thưa bà, năm nay, có đề cử nào đến từ các nhà khoa học Việt Nam?
GS Nguyễn Thục Quyên: Chúng tôi nhận được một số đề cử đến từ các nhà khoa học ở Việt Nam, tuy nhiên con số không nhiều. Tôi hy vọng, trong tương lai, tôi sẽ nhận được nhiều hơn những đề cử từ Việt Nam của chúng ta.
"Làm khoa học cũng giống như chơi World Cup"
PV: Đâu là khó khăn mà một nhà khoa học nữ phải đối mặt trong quá trình lần mò tìm kiếm đường đi để trở thành GS hàng đầu?
GS Nguyễn Thục Quyên: Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, không điện, không nước, thiếu ăn. Đến năm 21 tuổi, tôi tới Mỹ với rào cản lớn là vốn tiếng Anh khiêm tốn. Nhiều người khuyên tôi nên đi học tiếng Anh, thay vì theo đuổi nghiên cứu khoa học. Nhưng tôi đã không từ bỏ.
Tôi khuyên các bạn trẻ đừng để trở ngại các bạn hiện thực hóa giấc mơ. Hãy mơ lớn và nắm bắt cơ hội. Hãy có thái độ tích cực, càng nhiều người đẩy bạn xuống thì bạn càng có động lực.
PV: Sau nhiều năm làm khoa học, theo bà, đâu là cách để gặt hái thành công?
GS Nguyễn Thục Quyên: Làm khoa học rất thú vị, hấp dẫn cũng giống như chơi World Cup. Thế nhưng, cho dù có những cầu thủ giỏi cũng không thể thắng giải World Cup được. Bởi một đội bóng tốt vừa cần có cầu thủ giỏi, vừa cần họ biết phối hợp cách chơi với nhau. Đối với những người làm khoa học cũng như vậy. Người làm khoa học một mình có thể gặt hái được những thành công, nhưng nó sẽ không quá lớn bằng việc mình có nguyên một đội, nhóm sát cánh với nhau.
Hơn nữa, để làm khoa học thành công, các nhà khoa học cũng cần có chiến thuật. Đầu tiên, chúng ta cần chọn đề tài khoa học đúng, bởi đây là điều rất quan trọng. Thứ hai, các nhà khoa học cũng cần có những đồng đội giỏi và có sự kết hợp ăn ý với nhau. Làm việc nhóm, có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công rõ ràng, là những thứ đặc biệt quan trọng để có những công trình, phát minh khoa học thành công. Những nhà khoa học trong một nhóm cần có chiến thuật làm cái gì trước, cái gì sau, để từ đó có kết quả nghiên cứu thành công.
PV: Những nhà khoa học nữ thường rất ngại va chạm, với cương vị là một giáo sư, nhà khoa học gặt hái nhiều thành công, bà đã từng trải qua chưa và cách bà vượt qua ra sao?
GS Nguyễn Thục Quyên: Không chỉ có phụ nữ Việt Nam, mà phụ nữ nước ngoài cũng vậy. Tôi cũng không ngoại lệ. Xuất phát điểm của tôi là một người sinh ra ở một làng quê, có bao giờ được đi du lịch trải nghiệm đâu. Do đó, tôi rất sợ, đặc biệt là những lần đi thuyết trình tại các hội thảo quốc tế, thường mất tới mấy ngày để chuẩn bị, tâm lý thì sợ sệt, không dám đi ra ngoài hay gặp gỡ ai.
Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi đã cải thiện được việc này. Bởi tôi nhận ra rằng mình cần ra ngoài, gặp gỡ và kết nối với mọi người để họ biết mình là ai. Hãy giới thiệu tên của bạn là gì và bạn tới từ đâu. Đây là thông tin rất quan trọng.
Theo tôi, mạnh dạn đặt câu hỏi trước đám đông và đặc biệt là trong các hội nghị, hội thảo khoa học chính là cách để giúp các nhà khoa học nữ dần khẳng định mình, để cộng đồng khoa học biết mình là ai. Thông qua việc này sẽ giúp nhà khoa học trẻ nói chung, đặc biệt là nhà khoa học nữ có thể mở rộng kết nối, các mối quan hệ và hợp tác trong nghiên cứu.
PV: Nhiều người vẫn nghĩ rằng con gái không cần học giỏi học cao, học giỏi quá thì khó lấy chồng. GS nghĩ sao, nam giới cần làm gì để giúp cộng đồng nhà khoa học nữ?
GS Nguyễn Thục Quyên: Các bạn gái hãy tìm ng đàn ông tôn trọng người phụ nữ của mình. Xã hội bắt đầu nhìn thấy sự tôn trọng nhiều hơn với nữ giới. Cái thay đổi đầu tiên là hãy bắt đầu chính mình. Các cô gái, chàng trai hãy nói với bố mẹ mình là bây giờ không phải là 50 năm trước. Mọi thứ thay đổi rồi. Chúng ta sẽ gặp được người đàn ông, người phụ nữ thông minh và tôn trọng mình.
Xin cảm ơn GS!
Với chủ đề "Hồi sinh và Tái thiết", Giải thưởng VinFuture 2022 muốn tìm kiếm và vinh danh các công trình khoa học – công nghệ kiệt xuất có tác động tích cực trong và sau đại dịch giúp phát triển bền vững đời sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh.
Tuần lễ khoa học – công nghệ VinFuture 2022 với các hoạt động học thuật dành cho cộng đồng nghiên cứu khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà sáng tạo đổi mới và công chúng, diễn ra từ 17 đến 21/12/2022 bao gồm:
- 17/12: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture; diễn thuyết truyền cảm hứng "Đổi mới HIỆN TẠI, Kiến tạo TƯƠNG LAI".
- 19/12: Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống"
- 20/12: Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.
- 21/12: Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture