• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS-TS NGÔ ĐỨC THỊNH, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG DI SẢN QUỐC GIA: Đừng để văn hóa trở thành show

19/06/2006 14:46

Với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận, Việt Nam đang hội tụ rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Thế nhưng, trên thực tế, tại một số nơi, những di sản ấy đã không những không phát huy được lợi thế đó mà còn bị hủy hoại dưới nhiều hình thức. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á

Với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận, Việt Nam đang hội tụ rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Thế nhưng, trên thực tế, tại một số nơi, những di sản ấy đã không những không phát huy được lợi thế đó mà còn bị hủy hoại dưới nhiều hình thức. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á

>> Hầu hết các nước có ngành kinh tế “không khói” phát triển đều phải dựa vào di sản văn hóa của họ. Nước ta thì sao, thưa giáo sư?

- GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đất nước nào có cảnh quan thiên nhiên tốt, có một nền văn hóa truyền thống, đất nước đó sẽ thu hút được khách du lịch. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đã nói, nhiều trường hợp du lịch văn hóa ở ta bây giờ giống như thứ “vườn bách thú người”. Tức là thay vì vào vườn bách thú để xem muông thú, chim chóc nhảy nhót thì giờ vào nơi du lịch để xem con người diễn trò. Việc này đi ngược lại bản chất văn hóa. Bản chất văn hóa là sự tự thân, sự bày tỏ khát vọng, tình cảm của con người chứ không phải là những sô diễn. Điều này dẫn tới việc những người thưởng thức các show hiểu sai văn hóa của địa phương đó, dân tộc đó. Và nó cũng làm hỏng chính bản thân chủ thể của nền văn hóa. Hôm nay show, ngày mai show, ngày kia show, cuối cùng văn hóa trở thành show. Văn hóa không còn là hoạt động tự thân. Đó là chưa kể du lịch còn gây ra những vấn đề về môi trường, xã hội. Ví dụ như Sa Pa, những năm vừa qua, nhiều học sinh đã bỏ học, nhiều đồng bào đã bỏ nghề truyền thống để đi guide (hướng dẫn viên).

GS-TS Ngô Đức Thịnh

. Sinh năm 1944 tại Hải Hậu, Nam Định.

. Bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài “Đông Dương là một vùng văn hóa”, tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1980).

. Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian từ năm 1994-2005, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian châu Á, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia.

GS Comdominas, một nhà Việt Nam học nổi tiếng của Pháp khuyên: Để thu hút người nước ngoài, phải tìm hiểu xem khách cần cái gì. Đó là cái bản sắc riêng của người Việt Nam. Thông qua văn hóa để tìm hiểu bản sắc của người Việt Nam. Do vậy, các bạn hãy làm tất cả những gì là của tổ tiên của các bạn. Làm những cái gì là trái tim, tình cảm của các bạn. Lúc đó các bạn sẽ thu hút được khách du lịch. Còn nếu các bạn chỉ cố để làm vừa lòng chúng tôi thì đó là giả tạo. Đó là cái tổ tiên các bạn chưa bao giờ có. Các bạn bày đặt ra một cách sống sượng, không phải từ tâm hồn, tình cảm.

>> Nhưng thưa giáo sư, để phát triển du lịch, phải thu hút khách du lịch hằng ngày hằng tháng hằng năm, trong khi các lễ hội chỉ diễn ra rất ít lần trong một năm. Nếu không sân khấu hóa, làm sao có những chương trình văn hóa để hút khách du lịch?

- Tôi đã đề cập tới việc này. Ví dụ, Tây Ban Nha có một lễ hội truyền thống mỗi năm được tổ chức một lần. Nhưng một thời, họ đã biến nó thành hoạt động thường kỳ. Rồi sau đó, họ phải bỏ vì khách du lịch không đến nữa.

Vấn đề phải làm sao thỏa mãn được cả 2 điều kiện: đáp ứng nhu cầu được thưởng thức văn hóa nguyên gốc của khách du lịch và phát triển du lịch. Cách làm như thế nào? Tôi từng được đi một tour ở Côn Minh (Trung Quốc). Ở đó, người ta liên kết nhiều điểm khác nhau, mỗi điểm có một hoạt động văn hóa. Từ đó, tạo ra một không khí văn hóa liên hoàn.

>>Sự sống còn của văn hóa phi vật thể phụ thuộc vào chính chủ thể “sở hữu” nó. Theo giáo sư, cái cách mà chúng ta đang làm để gìn giữ, phát huy các di sản còn điều gì đáng phải bàn? Hay nói cách khác, cách người ta đang “đối xử” với các nghệ nhân dân gian đã đúng và đủ chưa?

- Văn hóa phi vật thể sống với đời sống hữu hạn của con người. Hôm nay, nghệ nhân ốm đau, mai họ mất đi, hay chỉ một tai nạn nào đó, cũng có thể cướp mất cả một gia tài văn hóa phi vật thể. Bảo tồn văn hóa phi vật thể là bảo tồn con người lưu giữ và truyền tải văn hóa phi vật thể ấy. Đây lại là vấn đề đối xử với con người. Phần lớn, họ vẫn là những người nghèo. Nhà nước cần có những chế độ hẳn hoi đối với họ, mà tôi chắc là cũng không tốn kém nhiều vì số lượng nghệ nhân dân gian vốn không có nhiều.

Bà Mẫu Thị Riêng, người dân tộc Raglai, có thể kể sử thi liên tục 150 giờ, 3 bộ, thu được 119 cuộn băng, mỗi cuộn 90 phút. Đó là đầu óc vĩ đại. Vậy mà, nói chuyện ấy với ông chủ tịch huyện sở tại, ông bảo: Thế à? Năm nay bà đã 79 tuổi, giả dụ bà ấy mất đi thì sẽ mang theo 3 bộ sử thi kia về cõi vĩnh hằng. Cả một nền văn hóa có khi chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 người như thế!

Vấn đề đối xử với đối tượng văn hóa phi vật thể còn bất cập. Đó là vấn đề cần phải có lời giải sớm để bảo tồn hiệu quả di sản của dân tộc.

Xin cảm ơn giáo sư.

 (Theo LĐ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ