• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gửi tình yêu Đà Nẵng vào những sản phẩm lưu niệm

Thực hiện: Đức Hoàng | 08/03/2024

(Tổ Quốc) - Các sản phẩm làm bằng tăm tre mô phỏng những chiếc cầu ở Đà Nẵng do anh Hứa Văn Minh tạo ra không những được du khách đón nhận mà còn đi theo các phái đoàn ngoại giao của thành phố này đến với bạn bè nhiều nước.

Từng sản phẩm lưu niệm bằng tăm tre chất chứa tình yêu mãnh liệt của anh Minh đối với Đà Nẵng và nhiều vùng đất khác. Hơn hết, những sản phẩm này minh chứng nghị lực và sự nỗ lực hòa nhập cuộc sống của một người khuyết tật.

Gửi tình yêu Đà Nẵng vào những sản phẩm lưu niệm - Ảnh 1.

Anh Hứa Văn Minh với mô hình cầu Rồng và tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng bằng tăm tre.

Không muốn sống cuộc đời vô nghĩa 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hứa Văn Minh giới thiệu hàng loạt mô hình cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu vượt ngã ba Huế, cầu Trần Thị Lý (TP. Đà Nẵng); Ngọ Môn Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và cả Tháp Eiffel (Pháp)… được làm bằng tăm tre bày biện trong ngôi nhà nhỏ ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng).

Ngồi trên xe lăn, người đàn ông sinh năm 1982 này luôn tươi cười. "Tai nạn xảy ra là điều không may mắn, nhưng không thể vì thế mà mình buông xuôi, chấp nhận sống cuộc đời vô nghĩa. Công việc tạo ra các sản phẩm lưu niệm bằng tăm tre mang lại cho mình niềm vui và thu nhập", anh Minh nói.

Tai nạn tại công trình thủy điện A Lưới ở tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011 đã thay đổi cuộc đời của một kỹ sư xây dựng. Bị gãy cột sống, phải di chuyển bằng xe lăn, anh Minh cứ ngỡ khép lại mọi ước mơ và niềm vui sống.

Nhưng sự chăm sóc, thương yêu của cả gia đình đã thôi thúc anh phải gượng dậy, tích cực điều trị vật lý trị liệu suốt 2 năm, rồi tìm một công việc để có thu nhập và cũng để vơi bớt nỗi buồn. Hành trình sáng tạo sản phẩm bằng tăm tre ra đời từ đó.

Sản phẩm đầu tay của anh Minh là mô hình tháp Eiffel cao hơn 60cm, được lắp ghép suốt 3 tháng. Làm rồi nhưng thấy chưa đẹp, anh Minh tháo ra lắp ghép lại.

Anh Minh kể, thời gian đầu chỉ lắp ghép các tăm tre lại để khuây khỏa, chứ thật sự chưa nghĩ đến việc bán sản phẩm. Đến khi làm mô hình tiếp theo - Ngọ Môn Huế, thời gian lắp ghép nhanh hơn, chỉ khoảng 6 ngày, anh Minh bắt đầu chia sẻ trên trang facebook để "khoe" với bạn bè.

Mô hình cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn và Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng do anh Minh làm bằng tăm tre.

Được bạn bè khích lệ và nhiều người hỏi mua, anh Minh cảm thấy tự tin hơn và khấp khởi hy vọng như tìm được một con đường mới. Anh nhận nguyên liệu tăm tre từ Hội Người mù TP. Đà Nẵng, tiếp tục xử lý mối mọt, lắp ghép mô hình xong thì quét một lớp dầu bóng lên để chống mốc. Anh hoàn thiện bộ sản phẩm 5 cây cầu ở TP. Đà Nẵng (cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Thuận Phước), rồi làm mô hình Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, sau đó gửi bán tại các cửa hàng lưu niệm.

"Mình gửi bao nhiêu sản phẩm thì các cửa hàng bán hết bấy nhiêu. Điều đó đã khích lệ mình theo đuổi công việc này. Mô hình lắp ghép không cần đúng hoàn toàn với thực tế, chỉ cần mô phỏng và bảo đảm tính thẩm mỹ", anh Minh kể.

Dựa vào công trình thực tế, anh Minh chụp ảnh, phác thảo bản vẽ cho mô hình lắp ghép. Anh Minh cho biết, làm mô hình cầu Rồng trong 2 ngày với 2,5 lạng tăm; làm mô hình Ngọ Môn Huế mất 6 ngày, làm Tháp Eiffel mất 1 tháng vì có quá nhiều chi tiết lắp ghép… Mỗi mô hình đều phải được lắp ghép tỉ mỉ và cẩn thận. Những mô hình khó mô phỏng như cầu Vàng (Bà Nà Hills - Đà Nẵng) rất khó lắp ghép, chỉ cần lệch số liệu thì không thể làm được.

Góp phần quảng bá du lịch Đà Nẵng

Sau gần 10 năm, anh Minh đã sáng tạo hơn 40 mô hình gồm những chiếc cầu của Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Đình làng Hải Châu (Đà Nẵng), Ngọ Môn Huế, Chùa Một Cột, Quốc Tử Giám, cầu Cần Thơ, Tháp Eiffel, Nhà hát Opera Sydney (Úc)…, với số lượng hàng trăm sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng… trở thành những sản phẩm lưu niệm đi theo các đoàn công tác của thành phố và các đơn vị lữ hành đến với bạn bè quốc tế.

Chị Trần Mỹ Quyên - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An (TP Đà Nẵng) - đã nhiệt tình kết nối các sản phẩm lưu niệm của anh Minh với các đoàn công tác của Đà Nẵng, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành. Không những thế, những sản phẩm này còn theo chị Quyên tham dự nhiều cuộc triển lãm du lịch trong và ngoài thành phố.

"Là người làm du lịch, tôi ấn tượng khi thấy mô hình những cây cầu bằng tăm tre được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm. Khi biết "cha đẻ" của những sản phẩm này là một người khuyết tật, tôi thấy bất ngờ và xúc động", chị Quyên bày tỏ.

Gửi tình yêu Đà Nẵng vào những sản phẩm lưu niệm - Ảnh 3.

Chị Trần Mỹ Quyên hỗ trợ anh Minh lan tỏa sản phẩm tăm tre đi khắp muôn nơi.

Trực tiếp làm nhà phân phối sản phẩm của Minh, chị Quyên mong muốn những mô hình tăm tre sẽ đi xa hơn, có một đời sống mới với sứ mệnh quảng bá du lịch cho TP. Đà Nẵng.

"Đối với tôi, những mô hình do anh Minh sáng tạo không chỉ là sản phẩm mà còn là tác phẩm của trí tuệ, sự khéo léo và một trái tim đầy nhiệt huyết cùng tình yêu dành cho thành phố sông Hàn. Giá mỗi tác phẩm từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng là hoàn toàn xứng đáng", chị Quyên nói.

Còn với anh Minh, cuộc sống vẫn đong đầy ý nghĩa nên mỗi ngày sống là một ngày vui. Ngày càng có nhiều người biết đến anh và bày tỏ sự thán phục. Tuy nhiên, anh không muốn mọi người nghĩ anh là người khuyết tật và có bất kỳ sự thương cảm nào. Bởi lẽ, người bình thường hay người khuyết tật đều phải nỗ lực sống có ích và sống có ý nghĩa. 

NỔI BẬT TRANG CHỦ