• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Giang: Nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương

Văn hoá 08/06/2020 10:19

(Tổ Quốc) - Hà Giang nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Lạng Sơn được tổ chức sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở; Phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại Lào Cai phát triển cả về số lượng và chất lượng là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Hà Giang: Nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương

Đây là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh đưa ra nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác gia đình.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đưa công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình vào trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố; tổ chức truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức các chính sách về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Phát huy vai trò gương mẫu, tự giác chấp hành của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; coi đây là một tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm.

Thường xuyên kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác gia đình các cấp, phát huy vai trò và nâng cao năng lực của đội ngũ cộng tác viên dân số - gia đình và cán bộ thực hiện công tác gia đình ở cơ sở trong công tác phòng ngừa bạo lực gia đình; tăng cường phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp gia đình truyền thống; khắc phục, ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về chăm sóc giáo dục trẻ em, người cao tuổi, gia đình chính sách;…

Hà Giang: Nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: daidoanket.vn

Đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác xã hội hóa phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở; Tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Nhiều nhóm giải pháp cũng đã được tỉnh đưa ra như: đổi mới công tác truyền thông, vận động trực tiếp tại gia đình, cộng đồng về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, xử lý vi phạm về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác xã hội hóa trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Lạng Sơn: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở

Trong những năm qua, thực hiện các văn bản Chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về việc xây dựng, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từng bước được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động.

Hoạt động của các thiết chế đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh, địa phương, góp phần tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, có sự đổi mới về nội dung, hình thức; Các câu lạc bộ sở thích thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất cho nhân dân. Qua đây, khẳng định hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân, vừa là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị, hội họp thôn, tổ dân phố; vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần cho nhân dân; đồng thời tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tính đến 12/2019, toàn tỉnh có 78,4% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 70,2% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 94,4% cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan văn hóa, 100% thôn, khối phố có hương ước, quy ước được phê duyệt. Các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn... đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia. Công tác sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được duy trì; trong những năm qua, Sở VHTTDL, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, cùng các Phòng, đơn vị chức năng của các huyện, thành phố đã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa, hình thành và nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ, Đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.

Lào Cai: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa nâng cao cả về số lượng và chất lượng

Tỉnh ủy Lào Cai đã có Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa IX) "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Theo đó, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác gia đình tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Mỗi gia đình đã thực sự là tế bào, là hạt nhân tích cực xây dựng cộng đồng, địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Năm 2005 toàn tỉnh có 68% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; đến hết năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 83,72%.

Nhiều giá trị đạo đức, nề nếp trong gia đình cùng với các quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống cộng đồng dân cư, người dân có ý thức tốt hơn trong việc xây dựng gia đình hòa thuận - ấm no – tiến bộ - hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm được củng cố; truyền thống đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được nhân rộng; thực hiện nếp sống văn minh thu được nhiều kết quả.

Các mục tiêu về gia đình cùng với chương trình xóa đói giảm nghèo, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình…ngày càng được các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng gia đình và xã hội quan tâm tổ chức nhiều phong trào thi đua tại cơ sở, điển hình là phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào gia đình hiếu học,…công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, người có công ngày càng được quan tâm, kịp thời, chu đáo đúng quy định.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ