(Tổ Quốc) - Hà Giang tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn; Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng ở thôn, làng, bản tại Hà Giang đang ngày càng lan tỏa; Ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Hà Giang: Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn
Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang đã có báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được tăng cường và thực hiện có hiệu quả.
Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hướng dẫn về chuyên môn của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở VHTTDL Hà Giang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị đã được tổ chức như: Chương trình Chào xuân mới 2020, chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân 2020. Các chương trình biểu diễn đều được dàn dựng công phu, chu đáo, có tính nghệ thuật cao, với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, đặc biệt đi sâu khai thác chất liệu dân gian truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Đối với hoạt động quản lý các Đoàn đến biểu diễn tại tỉnh Hà Giang.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đoàn Nghệ thuật tỉnh dàn dựng được 04 chương trình mới; Đoàn nghệ thuật bán chuyện nghiệp (11 đoàn/11 huyện, thành phố) dàn dựng được 25 chương trình mới.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong 6 tháng cuối năm 2020, Sở VHTTDL tiếp tục kiện toàn và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ văn hóa trong lĩnh vực quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khi cấp phép, tiếp nhận giấy phép biểu diễn; Tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn; Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các loại hình nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút các tài năng trẻ có chuyên môn cao và tâm huyết với nghề nhằm xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương.
Cũng tại Hà Giang: Sở VHTTDL đã có báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL về phê duyệt Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020".
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chính sách phù hợp với yêu cầu hoạt động văn hóa, nghệ thuật và công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn mới. Đặc biệt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, phục dựng lại. Do vậy, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng ở thôn, làng, bản đang ngày càng lan tỏa, tổ chức nhiều cuộc Liên hoan, Hội thi, Hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng, góp phần làm phong phú hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, trao đổi, học tập, phần nào đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, tạo sự bình đẳng, thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tỉnh duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc cấp tỉnh (05 năm 1 lần) và Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc cấp huyện, thành phố (02 năm 1 lần), ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Dao, Nùng (hàng năm)…Định kỳ tổ chức (02 năm 01 lần) tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ và trích đoạn lễ hội truyền thống của các dân tộc. Qua đó đã thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân, vận động viên người dân tộc thiểu số của tỉnh tham gia tranh tài, biểu diễn ở các thể loại và thu hút đông đảo du khách tham quan, hưởng ứng, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hằng năm, Sở VHTTDL đã chỉ đạo Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng triển khai cho các Đội chiếu bóng lưu động chuẩn bị tốt nguồn phim thực hiện công tác chiếu phim theo kế hoạch, lồng ghép công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các ngày lễ, tết, sự kiện của đất nước, địa phương, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; hoạt động triển lãm, sáng tác, phổ biến tác phẩm luôn được tỉnh quan tâm, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc.
Ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La
UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định số 1156/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La.
Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La là Giải thưởng nhà nước cấp tỉnh được tổ chức 3 năm một lần, xét trao tặng cho những tác phẩm, bộ tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học – nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật phù hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học – nghệ thuật của đất nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay.
Giải thưởng nhằm biểu dương những hoạt động sáng tạo của các tác giả trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, nhằm động viên các tác giả không ngừng say mê sáng tạo nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.
Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La quy định nguyên tắc, phương thức, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và thủ tục xét tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Sơn La.
Cụ thể, Quy chế gồm 5 Chương: Quy định chung; Thang điểm, tiêu chuẩn và quy định tiếp nhận hồ sơ trình xét tặng giải thưởng; Hội đồng giải thưởng, cơ cấu giải thưởng và trình tự xét tặng giải thưởng; Kinh phí xét tặng giải thưởng; Tổ chức thực hiện.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 8/6/2020.