• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội, 68 năm sau ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ văn hóa và niềm tin vươn lên mạnh mẽ trong thời đại mới

Thực hiện: HẠ VŨ | 10/10/2022

(Tổ Quốc) - Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước...

Bản hùng ca lịch sử

Là Thủ đô của Việt Nam, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ buổi đầu của lịch sử đất nước, Hà Nội dần trở thành một trong những điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng để trở thành trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, cái tên Hà Nội đã trải qua một quá trình lịch sử với bao biến động thăng trầm. Từ Đại Việt đến Đại Nam và ngày nay là Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội đã cùng dân tộc bước qua những trang sử hào hùng nhất.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 1.

Thăng Long xưa - Hà Nội nay đa chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc. Ảnh: Giang Trịnh.

Trong suốt con đường hình thành và phát triển hàng nghìn năm của Hà Nội, ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là một trong những mốc son lịch sử quan trọng của Thủ đô nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

Tháng 5/1954, chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva lịch sử được ký kết, thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh và rút hết quân khỏi Đông Dương.

Những ngày đầu tháng 10 lịch sử trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô.

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính, đánh dấu ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 2.

Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hà Nội chính là trái tim của cả dân tộc, là địa bàn chiến lược mà quân và dân ta phải quyết tâm giành được. Giải phóng Thủ đô có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta. Tinh thần Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành ngọn cờ cổ vũ cho dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lúc bấy giờ. Giải phóng thành công Thủ đô Hà Nội đã tạo động lực mạnh mẽ để tiến tới giải phóng toàn bộ các thành phố khác, quét sạch hoàn toàn giặc Pháp khỏi đất nước Việt Nam.

Dù đã bao nhiêu năm đi qua những những mốc son ấy vẫn luôn rạng ngời trong trái tim mỗi người con Hà Nội để rồi đến ngày 10/10 hàng năm, Hà Nội lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc đã viết nên những trang sử vàng cho non sông.

Để từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng Hà Nội vẫn vươn lên mạnh mẽ để luôn xứng đáng vai trò là Thủ đô - trung tâm lớn về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa

Ngay từ buổi đầu định đô, Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện vai trò là đầu mối, trung tâm giao lưu tiếp xúc văn hóa của Đại Việt. Vai trò này được thể hiện xuyên suốt trong tiến trình lịch sử dân tộc và kéo dài cho đến hiện tại. Chính quá trình giao lưu, tiếp xúc kinh tế - văn hóa... luôn chấp nhận, không chối từ mà Thăng Long - Hà Nội luôn được hội tụ, bổ sung... những thành tựu của văn minh, kỹ thuật... để trở thành trung tâm của cả nước.

Thăng Long - Hà Nội trở thành trung tâm không chỉ là quy tụ tinh hoa văn hóa của cả nước mà còn tỏa chiếu ảnh hưởng văn hóa ra khắp nước.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 3.

Nhịp sống, phong cảnh và vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội xưa. Ảnh: Tư liệu.

Không chỉ là văn hóa, Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay còn là trung tâm trí tuệ của đất nước. Đây là nơi sinh ra và lớn lên, nơi đã góp phần hun đúc lên biết bao anh hùng dân tộc tên tuổi sáng chói trong lịch sử, biết bao danh nhân văn hóa với những trước tác đã làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc.

Trí tuệ của Hà Nội là sự chung đúc và kết tinh trí tuệ của cả dân tộc, rồi từ trung tâm văn hóa này phát huy ảnh hưởng ra cả nước.

Phát huy tất cả những giá trị đó, Hà Nội ngày nay cũng đã và đang nỗ lực để không những giữ vừng vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế của cả nước mà còn trở thành trung tâm của khu vực.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 4.

Hà Nội đang không ngừng thay đổi để phát triển, xứng đáng với vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa... của cả nước.

Trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội luôn được một số tạp chí Du lịch uy tín hàng đầu thế giới như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG)... bình chọn và đạt danh hiệu Top 10 điểm đến Du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch, các trang thông tin du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến ấn tượng.

Chưa dừng lại đó, cũng trong nhiều năm qua, Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam là điểm đến an toàn hấp dẫn với danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Những điều đó đang đặt ra những kỳ vọng lớn hơn và trách nhiệm cao hơn đối với Hà Nội.

Những điều này càng được củng cố hơn nữa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục, tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra là Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” cùng với đó là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 5.

Tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc luôn chảy trong mỗi người dân Việt Nam từ ngàn đời.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội... Phấn đấu Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,86-0,88 vào năm 2025 và khoảng 0,88-0,90 vào năm 2030.

Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. 

"Khát vọng hóa rồng" trong thời đại mới

Hơn bao giờ hết, Hà Nội luôn mang "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một Thủ đô hàng đầu, văn minh, ngang tầm với những đô thị phát triển khác trong khu vực. Dù trong lịch sử hàng ngàn năm từ Thăng Long (1010) cho đến ngày nay - Hà Nội chưa bao giờ ngừng vận động để phát triển.

Đặc biệt, nhìn lại quá khứ có thể thấy rõ, càng trong hoàn cảnh khó khăn Hà Nội càng phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường được hun đúc từ lịch sử. Đây chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Hà Nội không chùn bước trước mọi khó khăn.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 6.

Minh chứng rõ rành nhất cho khát vọng "hóa rồng" của Thủ đô chính là tốc độ tăng trưởng của toàn thành phố trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng cao.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,69%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%.

Đến hết tháng 3 năm 2022, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế. 

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79% (trong đó riêng quý II tăng 9,49%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 7.

Trong khó khăn, Hà Nội cũng như các địa phương khác luôn cố gắng để vượt qua.

Và hòa cùng không khí tự hào về những mốc son lịch sử của dân tộc: Cách mạng tháng Tám thành công 19/8, Quốc khánh 2/9 và Giải phóng Thủ đô 10/10, trời thu Hà Nội trong xanh hơn, có nắng vàng trải khắp phố phường; cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu càng nhắc nhớ người dân Thủ đô không được quên những chặng đường lịch sử đầy khó khăn gian khổ, thậm chí phải hy sinh bằng máu và nước mắt.

Khi lịch sử hào hùng được gợi nhớ, sẽ tạo động lực để chính quyền và người dân có thêm niềm tin tưởng, quyết tâm và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp của thành phố. Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.”

Hà Nội sau 68 năm ngày giải phóng: Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa và niềm tin vươn mình đi lên trong thời đại mới - Ảnh 8.

Một mục tiêu thật lớn cho chặng đường phía trước của Thủ đô. Nhưng đó cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí của Hà Nội trong lòng dân tộc: Thủ đô, trái tim, niềm tự hào của cả nước; và với vị thế của Hà Nội trên thế giới hôm nay: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. 

Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là Thủ đô, trái tim của cả nước.

---

68 năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.

NỔI BẬT TRANG CHỦ