• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp

Thời sự 12/05/2023 10:24

(Tổ Quốc) - Sáng 12/5, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã tổ chức khai mạc phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 12/5

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực HĐND Thành phố khoá XVI thực hiện theo Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển Thủ đô. Là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Đây cũng là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng và rất thiết thực.

Trong những năm qua, Thành uỷ, HĐND, UBND, các cấp, các ngành của Thành phố đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Thành uỷ các khoá XV, khoá XVI ban hành Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. 

Thành uỷ khoá XVII ban hành Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện. UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai.

Đến nay, Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn đã được Thành phố quan tâm, tập trung đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng lên.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố và qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với đại biểu HĐND Thành phố cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập-đặc biệt là trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp như: Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường chưa ổn định, khó khăn về giá tiêu thụ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập của người nông dân;

Các tồn tại, vướng mắc trong thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, đất đai, chưa khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách còn chậm trễ, chưa kịp thời vì vậy chưa có nhiều kết quả rõ nét; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.

Việc triển khai một số chỉ tiêu quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, chưa phù hợp, cần sớm được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả; Công tác quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển, kinh doanh; xây dựng chuỗi liên kết, xuất nhập khẩu và các mô hình phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp còn một số hạn chế nhất định, rất cần các giải pháp hữu hiệu hơn.

Đây là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phương thức triển khai kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn người nông dân của Thủ đô. 

"Đây cũng là nội dung được Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ và Bí thư Thành uỷ rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua" - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND Thành phố và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong khuôn khổ thời gian của phiên chất vấn, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội thống nhất lựa chọn nhóm vấn đề “việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố” là nội dung chất vấn tại phiên họp tháng 5/2023 để đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện; xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra lộ trình, giải pháp hiệu quả, khả thi trong thời gian tới.

Để phiên chất vấn hiệu quả, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý các vị đại biểu đặt câu hỏi cần ngắn gọn, cụ thể, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung nhóm vấn đề. Các đại biểu được quyền tái chất vấn, tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ thêm các nội dung vấn đề cần quan tâm.

Đồng thời, theo quy định các Phó Chủ tịch UBND, thành viên UBND, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công.

"Người trả lời chất vấn phải trả lời ngắn gọn, đúng nội dung, đúng trọng tâm, thẳng vào những nội dung được hỏi. Báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thời gian, lộ trình cụ thể và các giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND Thành phố theo dõi, giám sát. Sau khi kết thúc phiên họp, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành Kết luận phiên chất vấn để làm căn cứ tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện", Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ