(Tổ Quốc) - Ngày 11/11, tại trụ sở UBND TP Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
- 08.11.2022 Chủ tịch Hà Nội: Toàn tâm, toàn lực thực hiện dự án Đường Vành đai 4
- 05.11.2022 Hà Nội đôn đốc triển khai giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4
- 06.10.2022 Phát động phong trào thi đua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh
- 28.09.2022 Hà Nội đã phê duyệt gần 44 km chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 4
Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông. Cùng tham gia có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, đại diện các sở, ban, ngành TP Hà Nội, hai tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh.
Hà Nội tập trung toàn lực cho công tác giải phóng mặt bằng
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung toàn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. UBND TP Hà Nội đã ban hành 7 quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện: Hà Đông, Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín.
Trong đó, đã cập nhật đầy đủ các dự án tái định cư, di chuyển mộ phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với tư vấn cũng như các địa phương cắm và bàn giao gần 3.000 mốc giới của 3 đoạn tuyến cho 6 quận, huyện. Ban đang cùng với các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành việc bàn giao mốc giới đối với 2 đoạn tuyến còn lại.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài khoảng 59,2km, đi qua 7 quận, huyện, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 766,3ha. Trong đó có khoảng 17,2ha đất ở; 694,4ha đất nông nghiệp; 54ha đất phi nông nghiệp. Tổng số hộ bị thu hồi đất vào khoảng 16.932 hộ và 14.654 ngôi mộ. Nhu cầu tái định cư dự kiến khoảng 1.113 hộ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quốc Chương cho rằng: "Hà Nội đã vượt qua các tỉnh trong cùng dự án, có cơ chế chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết, khó khăn nhất của Bắc Ninh là tình trạng đất bị rao bán trái thẩm quyền nhiều năm qua. Nếu phải báo cáo Trung ương để quyết định cơ chế hỗ trợ, bồi thường cho vấn đề này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Ông Ngô Tân Phượng nêu: nếu Hà Nội cũng gặp những trường hợp tương tự, đề nghị chia sẻ kinh nghiệm với Bắc Ninh và các địa phương khác. Đồng thời đề xuất sau Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng, cả ba tỉnh, Thành phố cần ra một Thông báo kết luận chung, đưa các giải pháp đã được Hà Nội thực hiện thành bộ khung chung áp dụng cho toàn dự án.
Theo báo cáo của đại diện các sở, ngành và một số quận, huyện thì khó khăn, vướng mắc chính trong thực tiễn triển khai như việc hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do hợp tác xã quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) các hộ dân đã xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định; đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được hỗ trợ công nhận là đất ở; hỗ trợ đối với đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề.
Ngoài ra, các nội dung như chính sách hỗ trợ di chuyển mộ; bố trí “tái định cư” cho các phần mộ; bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng; thu hồi đối với trường hợp không đủ điều kiện xây dựng nhà ở… Đây cũng là những khó khăn mà các địa phương như Hưng Yên, Bắc Ninh cũng gặp phải.
Chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị
Chia sẻ về những kinh nghiệm của Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kinh nghiệm đầu tiên là bài học về lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Việc tái định cư, bồi thường hỗ trợ người dân trong phạm vi dự án phải có sự thống nhất. Những khu vực chênh lệch khung giá đất phải có giải pháp hỗ trợ cho bằng nhau để tránh khiếu kiện. Hà Nội cũng đang tập trung đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng khu tái định cư, di chuyển mồ mả, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ được duyệt.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân được xác định là giải pháp quan trọng nhất nhằm đưa chính sách bồi thường được đến gần với người dân.
Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu các quận, huyện phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu; thành lập tổ vận động về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật cho người dân.
Hà Nội cũng thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, Thành phố tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai, phục vụ tốt việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định.
“Qua các báo cáo tại hội nghị đối với cả 3 tỉnh, thành phố có thể thấy “điểm nghẽn” hiện nay chính là dự án thành phần 1.1 (đối với Hà Nội); dự án 1.2 (với Hưng Yên) và 1.3 (Thái Bình) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác GPMB đều chưa được phê duyệt. UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến về quy trình. Tuy nhiên, học tập thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, 3 tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô cần chủ động bứt phá và phấn đấu chậm nhất đầu tháng 12-2023 phải duyệt được dự án thành phần 1”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nói./.