(Tổ Quốc) - Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc "shipper" có được hoạt động hay không, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sở đã báo cáo UBND TP và quyết định định cấm "shipper" hoạt động.
Sáng 24/7, Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h hôm nay.
Xây dựng kịch bản 50.000 giường điều trị
Lãnh đạo các Sở: Y tế, GTVT, Công Thương đã thông tin cũng như làm rõ các giải pháp của Thủ đô cũng như các vấn đề người dân quan tâm trong việc thực hiện giãn cách xã hội.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virut Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày.
Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bản 1000 giường đã được thực hiện; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.0000 giường và 50.000 giường...và chia 4 tầng điều trị.
Theo đó, tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung.
Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.
Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.
Hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường dù lượng khách tăng
Tại cuộc họp này, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công Thương đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.
Hiện nay, nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo Thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng tại nội đô và một số tỉnh lân cận. Từ khi có Công điện 15 của Hà Nội, các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng online.
Theo bà Phương Lan, vào sáng nay lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%, tuy nhiên hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường; tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.
Hà Nội cũng đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa. TP đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân.
Cấm "shipper" hoạt động
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, khi thực hiện giãn cách xã hội, 3 đối tượng được ưu tiên đi lại là: xe vận chuyển cung ứng hàng hóa theo "luồng xanh" quốc gia có lộ trình qua TP Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các cơ quan công vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động, các phương tiện vận chuyển hành khách khác được cấp thẩm quyền cho phép.
Để làm tốt việc này, Sở đã phối hợp với Công an thành phố duy trì 22 chốt kiểm soát hiện nay và sẽ tổ chức thêm để có 30 chốt toàn TP và 26 chốt kiểm soát ở các quận huyện.
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc "shipper" có được hoạt động hay không, ông Viện cho biết, trong sáng nay, sở đã báo cáo UBND TP và quyết định định cấm "shipper" hoạt động.
Ông Viện lý giải: "Đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên tạm thời TP cấm hoạt động trên tinh thần phòng dịch trên hết để bảo vệ an toàn cho người dân".
Hà Nội sẽ có chính sách riêng hỗ trợ người dân
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch đã được TP chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng.
Theo ông Phong, khi thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều sẽ có tác động đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhất là nhóm yếu thế: hộ nghèo, người lao động, khuyết tật…TP đã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đến từng xã, phường, thôn xóm.
"Căn cứ thực tiễn, ngoài chính sách chung của Chính phủ, có thể TP sẽ có thêm chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trên tinh thần chống dịch như chống giặc; lấy sức khỏe, sự an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu" - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.