(Tổ Quốc) - Ngày 28/3, UBND Tp. Hà Nội ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên diễn ra trong 2 ngày 08-09/6, theo phương thức thi tuyển với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Năm học 2023-2024, dự kiến toàn Thành phố có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố dự kiến như sau:
Tuyển vào trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh. Tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 học sinh.
Trong đó, đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên theo phương thức thi tuyển. Sở GDĐT tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập.
Tổ chức 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Riêng bài thi Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký 1 trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GDĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội.
Cũng theo Kế hoạch, điểm xét tuyển là tổng điểm của các bài thi thành phần và điểm ưu tiên (nếu có), trong đó, điểm bài thi môn Toán và môn Ngữ văn nhân hệ số 2, điểm bài thi môn Ngoại ngữ nhân hệ số 1. Điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10,0. Căn cứ theo diện ưu tiên của học sinh theo Quy chế tuyển sinh để xác định điểm ưu tiên. Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu…
Toàn Thành phố có 12 khu vực tuyển sinh, đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính; trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn Thành phố.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3, trong đó, NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Việc tổ chức xét tuyển được thực hiện cơ bản giống như các năm trước, học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 10/7/2024-12/7/2024; nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT và trường THPT tuyển bổ sung đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19/7-22/7/2024.
Kế hoạch cũng bao gồm hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chuyên trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, trường THPT Chu Văn An, trường THPT Sơn Tây.
Tuyển sinh vào lớp 10 học tiếng Nhật Ngoại ngữ 1; tuyển sinh vào lớp 10 song ngữ tiếng Pháp và lớp 10 tăng cường tiếng Pháp; tuyển sinh vào lớp 10 trường phổ thông dân tộc nội trú; tuyển sinh vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level); tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tự chủ tài chính, lớp 10 THPT tư thục và lớp 10 chương trình GDTX cấp THPT…