(Tổ Quốc) - Ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Thủ đô dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã tập trung chỉ đạo phát triển các tuyến du lịch thu hút du khách hiệu quả, gồm: khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Thủ đô Hà Nội; thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (tiêu biểu như sản phẩm: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh).
Phát triển sản phẩm khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9, Đá Chông; cảnh quan thiên nhiên của rừng quốc gia Ba Vì.
Hình thành các tuyến du lịch mới gắn với khai thác giá trị di sản – di tích và làng nghề như: tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội – Điểm về nguồn cội" kết nối Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt lụa tơ tằm, tơ sen (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Hà Nội cũng đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm, sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của Thủ đô, qua đó nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của du khách trong và ngoài nước như: Sản phẩm du lịch đêm với chủ đề "Đêm thiêng liêng" tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long" tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm ứng dụng công nghệ Mapping, 3D, ánh sáng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì nơi có 98% đồng bào Dao Quần Chẹt sinh sống với nghề làm thuốc Nam truyền thống; sản phẩm du lịch đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" hay những chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian như ca trù, hát xẩm, chầu văn... tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây,…
Ngành du lịch Hà Nội đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, đã chủ động trong việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong công tác xây dựng các video clip, giao diện ảnh 360 độ, chuẩn hóa các bài thuyết minh về địa danh, làng nghề, tổ chức các đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, du lịch Thủ đô còn phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch làng nghề truyền thống; lựa chọn các món ẩm thực tiêu biểu ở một số địa phương đưa vào sách cẩm nang du lịch và tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu cho du khách.
Trong công tác hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, Hà Nội quan tâm triển khai tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch ở trong nước và quốc tế như: Thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN.
Tăng cường xây dựng các chương trình, phóng sự quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông trong nước (VTV, HanoiTV) và các đơn vị báo chí Trung ương và Thành phố. Tổ chức thành công, hiệu quả các chương trình, lễ hội xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa như Lễ hội Áo dài Du lịch, Lễ hội Du lịch làng nghề, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội.
Triển khai đón các đoàn FAM là các hãng lữ hành, phóng viên báo chí trong nước và quốc tế đến Hà Nội. Tham gia các hoạt động hợp tác, phát triển du lịch trong nước và quốc tế như các chương trình của Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO).
Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, ngành Du lịch Thủ đô cũng đối mặt với khó khăn, thách thức trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, đó là sự phát triển của hoạt động du lịch văn hóa, một mặt góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; tuy nhiên nếu hoạt động du lịch văn hóa không được kiểm soát tốt sức chứa tại các điểm đến du lịch sẽ là yếu tố làm ảnh hưởng đến độ bền của di tích và làm biến dạng, thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng cũng như môi trường sinh thái của điểm du lịch.
Hoạt động du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng có thể là thách thức gây ảnh hưởng đến kết cấu xã hội tại cộng đồng do mâu thuẫn có thể nảy sinh từ việc phân chia lợi ích từ du lịch, từ đó là nguyên nhân gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế do du lịch đem lại, tình trạng phát triển du lịch thiếu định hướng trong chiến lược phát triển; chạy theo các mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận như một ngành kinh tế thuần túy sẽ khiến hoạt động du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng trở thành mối đe dọa đối với sự nghiệp bảo tồn sự toàn vẹn các giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên của điểm đến du lịch.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghiệp văn hóa, của khoa học công nghệ tiên tiến có sự trợ giúp tích cực của thiết bị công nghệ máy móc với mức độ tự động hóa cao, trí tuệ nhân tạo đã và đang dần dần thay thế sức lao động của con người, do đó được coi là yếu tố thách thức, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của lao động trong ngành du lịch.
Chính vì vậy, vấn đề đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, góp phần đưa du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, sự giao thoa giữa các nền văn hóa thông qua hoạt động du lịch tạo nên hệ văn hóa ngoại lai cũng tạo ra thách thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát huy giá trị các di sản - di tích và làng nghề, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.
Trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm như dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực Thành Cổ Loa, dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc,…thành điểm du lịch đặc sắc, mang thương hiệu của du lịch Thủ đô.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch có trách nhiệm, hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích, bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử hài hòa, văn minh, thân thiện trước mắt cho những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch; phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch và là một người giám hộ cho di sản văn hóa.
Đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát triển dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian.
Đồng thời, tiến hành hoàn thiện tổ chức không gian các tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây… Khuyến khích các đơn vị lữ hành phối hợp với các đơn vị điểm đến di tích - di sản triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng khoa học - công nghệ trên nền các sản phẩm du lịch truyền thống
Song song với đó, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Tập trung các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế. Định kỳ hằng năm, tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch văn hóa lớn, đặc sắc mang tính quốc gia và quốc tế như: Lễ hội Áo dài, Lễ hội du lịch làng nghề, Lễ hội quà tặng du lịch…; thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản.