(Tổ Quốc) - Chiều ngày 29/3, Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định với phóng viên Báo Tổ Quốc, Sở chưa nhận được đề án xin đúc tượng Rùa Vàng ở Hồ Gươm và cũng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo gì từ UBND TP về vấn đề này.
Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều ý tưởng xây dựng các công trình văn hóa xung quanh khu vực di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm, tuy nhiên, chưa có đề án nào khả thi và được UBND TP Hà Nội đồng ý. Là khu vực đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân Thủ đô cũng như cả nước, một biểu tượng gì xuất hiện ở Hồ Gươm cũng nhận được sự quan tâm của dư luận. Mới đây, một cá nhân đề xuất đúc tượng Rùa Vàng ở Hồ Gươm tiếp tục gây tranh cãi.
Mô hình tượng Rùa Vàng được đề nghị đặt ở Hồ Gươm (ảnh trích từ Đề án) |
Đề án xin đúc tượng Rùa Vàng ở Hồ Gươm do ông Tạ Hồng Quân (một công dân Thủ đô) đề nghị từ dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm đó mới dừng ở việc xin ý kiến các nhà khoa học. Đến nay, ông Quân đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện đề án của mình.
Theo phác thảo của ông Tạ Hồng Quân biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm được làm bằng đồng và vàng, nặng khoảng 10 tấn, cao khoảng 3,5m, dài 2,5m. Ông Tạ Hồng Quân cũng đề xuất đặt biểu tượng rùa vàng ở khu vực ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng hoặc khu vực vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn.
Theo đề án này, nếu được thành phố cho phép, tượng Rùa Vàng sẽ được thực hiện trong khoảng hai năm. Kinh phí làm tượng Rùa Vàng sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa chứ không lấy từ ngân sách nhà nước. “Quá trình đúc tượng Rùa Vàng sẽ được làm tại Hồ Gươm để nhân dân theo dõi”- ông Quân cho biết.
Thời điểm đề án này được xin ý kiến các nhà khoa học, GS Vũ Khiêu đã đánh giá cao ý tưởng này. Theo GS Vũ Khiêu, ý tưởng này đáp ứng biểu trưng cho ba giá trị truyền thống từ lâu đời của dân tộc ta: văn hiến, anh hùng, hòa bình.
Chia sẻ với báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông là người ủng hộ việc đúc tượng Rùa Vàng Hồ Gươm ngay từ khi công dân Tạ Hồng Quân đưa ra ý tưởng (trước Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội). “Đến thời điểm này, việc làm biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm là phù hợp. Tuy nhiên, việc đúc Rùa Vàng thế nào cần phải lấy ý kiến cụ thể của các nhà khoa học”, ông Dương Trung Quốc nói. Theo ông Dương Trung Quốc, nếu thành phố thông qua ý tưởng trên thì nên đặt biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm ở khu vực quanh đền Ngọc Sơn là phù hợp.
Khu vực đặt tượng nhìn từ trên cao (ảnh từ Đề án) |
Đồng quan điểm này, GS Hà Đình Đức cho rằng, ông biết ý tưởng này từ năm 2010 và nhiều nhà khoa học đã cho ý kiến về đề án này vào thời điểm đó. Bản thân ông cho rằng, ý tưởng đúc tượng Rùa Vàng đặt ở khu vực Hồ Gươm có thể chấp nhận được. Ông Hà Đình Đức cho biết: “Khu vực Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, muốn làm gì cũng phải được ý kiến từ Bộ VHTTDL và UBND TP, ngoài ra phải có sự đồng thuận của nhà khoa học và công luận. Nếu trước đây còn “cụ” Rùa thì khác, giờ “cụ rùa” mất rồi thì việc đặt tượng này sẽ thay hình ảnh “cụ rùa” ở Hồ Gươm cho người dân tham quan”.
Ông Hà Đình Đức cũng cho rằng, đặt tượng rùa ở khu vực Hồ Gươm cũng phù hợp vì theo Luật Di sản, “cụ rùa” gắn với sự tích của Hồ Gươm, với vua Lê, Hồ Hoàn Kiếm, nhân vật trong truyền thuyết. Tuy nhiên, việc hình dáng, chất liệu tượng rùa sẽ như thế nào thì ông Hà Đình Đức cho rằng phải xem xét lại sau khi đã nhận được sự đồng thuận từ cơ quan chức năng và công luận.
Không đồng tình với đề án này, họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, ông không thấy vẻ đẹp của hình tượng Rùa Vàng qua phác thảo của đề án. Xưa nay, rùa thường gắn liền với hình tượng đội bia. Hơn nữa, rùa thường nằm bẹp nên rất khó để tạo nên một hình tượng mỹ thuật đẹp mắt”, họa sỹ Khánh Chương nhận xét.
Ngoài ra, ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, mẫu phác thảo về Rùa Vàng đang làm thay đổi nghiêm trọng hình tượng Rùa Vàng truyền thống. “Không nên đặt bất kỳ một bức tượng nào ở Hồ Gươm nữa. Không gian ở đó đã có Tượng Vua Lê, Tháp Rùa. Để tìm một vị trí mới phù hợp với việc đặt thêm tượng Rùa Vàng nữa là rất khó. Theo tôi, chúng ta nên trồng thêm nhiều hoa ở xung quanh là phù hợp nhất. Cá nhân tôi không thích hình tượng con Rùa Vàng, vì ở góc độ điêu khắc, rất khó để đẹp”, họa sỹ Khánh Chương cho biết.
Đồng quan điểm này, GS Sử học Phan Huy Lê chia sẻ, ông biết đến ý tưởng “Đúc biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm” từ mấy năm trước. “Ngay sau khi hình tượng Thánh Gióng được thí điểm dịp 1000 năm Thăng Long, tác giả Tạ Hồng Quân đã đề xuất thêm đề án này. Tuy nhiên, không gian Hồ Gươm rất hẹp cho nên cần có sự tính toán, kỹ lưỡng từ các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, di sản, lịch sử”- GS Phan Huy Lê nhận định.
Bà Bùi Thị An- Nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (2004-2011) chia sẻ: “Hồ Gươm là khu vực đặc biệt của Thủ đô cũng như cả nước. Việc xây dựng một công trình văn hóa nào ở khu vực này cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi cho rằng không có cơ sở nào để xây dựng tượng Rùa Vàng ở khu vực này”./.
Bình luận