Mới đây, các bác sĩ Khoa Hô hấp, Bệnh viện E đã xử trí gắp dị vật là một mảnh xương vịt sắc nhọn ở đường thở cho một cô gái trẻ (31 tuổi, quê ở Thanh Hóa).
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây 3 tháng, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện nhiều cơn ho khạc ra đờm đặc kéo dài. Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tuyến dưới và được các bác sĩ chẩn đoán là viêm họng, viêm phổi và viêm phế quản… Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh liều cao nhưng không đỡ.
Đến ngày 11/10, bệnh nhân đến Khoa Hô hấp Bệnh viện E khám trong tình trạng đau ngực, khó thở, ho khạc đờm kéo dài…
Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở sau 3 tháng bị hóc xương
Các bác sĩ khoa Hô hấp đã khai thác tiền sử mắc bệnh, bệnh nhân cho biết, cách đây 3 tháng, đang ăn cơm thì cảm thấy nuốt vướng và xuất hiện một cơn ho sặc sụa tím tái. Sau đó bệnh nhân có đi khám và điều trị ở cơ sở tuyến dưới nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng.
BSCKII. Ngô Tiến Thành – Trưởng Khoa Khoa Hô hấp cho hay, sau khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ khoa Hô hấp đã nghe thấy tiếng rít khu trú ở thùy trên phổi trái của bệnh nhân. Điều này đã khiến các bác sĩ nghĩ ngay đến khả năng bệnh nhân có thể bị dị vật đường thở.
Phim chụp trước khi lấy đoạn xương vịt trong phế quản của bệnh nhân
Do bệnh nhân đã từng chụp X-quang nhưng không phát hiện thấy tổn thương, vì thế, các bác sĩ cho bệnh nhân tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.
Kết quả chụp phim cho thấy, xác định có dị vật ở phế quản thùy trên phổi trái. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản gắp dị vật cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ, dị vật được gắp ra là một mảnh xương sắc cạnh, có kích thước 1,8cm x1cm, nằm chắn ngang đường vào phế quản thùy trên trái của bệnh nhân. Điều nguy hiểm là dị vật đâm chặt vào niêm mạch thành phế quản, tổn thương các tổ chức xung quanh, gây nên hiện tượng ho, tức ngực, khó thở cho bệnh nhân suốt 3 tháng qua.
Dị vật được lấy ra từ phế quản của bệnh nhân
BS Thành giải thích: Dị vật đường thở vô cùng nguy hiểm, bởi vì, bình thường đường khí quản được bảo vệ bởi nắp thanh môn và 2 dây thanh âm, trong một số trường hợp khi dị vật lọt vào trong lòng phế quản sẽ gây nên những cơn ho sặc sụa (hay còn gọi là hội chứng xâm nhập). Đối với những dị vật lớn gây tắc đường thở, có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
BS Thành khuyến cáo: Bệnh nhân bị dị vật đường thở có thể bị chẩn đoán nhầm sang viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản và có thể bị chỉ định được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp xe phổi, tràn khí màng phổi...
Bởi vậy, đối với những bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng ho sặc sụa, tím tái xuất hiện đột ngột trong khi ăn hay trẻ nhỏ khi chơi các đồ chơi nhỏ như viên bi, đồng xu, xếp hình (nhỏ), các loại hạt: hồng xiêm, na… thì cần đưa bệnh nhân tới khoa Hô hấp Bệnh viện để được khám cấp cứu, chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
Sau khi lấy dị vật khỏi phế quản, cô gái đang dần phục hồi
Ngoài ra, BS Thành khuyến cáo thêm, trong nhiều trường hợp bệnh nhân hóc dị vật, nhất là đối với trẻ nhỏ, thì mọi người hay đưa tay vào cổ họng bệnh nhân để móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật.
Việc làm này vô hình trung đã kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng (nhất là hóc thạch, miếng thạch hình trụ, trơn, rất dễ bít kín đường thở).
Muốn sơ cứu nạn nhân, mọi người cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp vỗ lưng, ép ngực hay ép bụng tùy độ tuổi.