(Tổ Quốc) - Những năm qua, giáo dục và đào tạo Hà Nội (GDĐT) từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế, phát huy thuận lợi để vươn lên dẫn đầu cả nước về quy mô và mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao ở các cấp học được chú trọng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp nối các kết quả đã đạt được, năm 2023, ngành GDĐT Thủ đô không ngừng nỗ lực để thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch… liên quan đến giáo dục và đào tạo của Trung ương cũng như địa phương, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
Tăng cường mở rộng quy mô trường lớp
Hà Nội hiện có khoảng 2.870 trường học, trong đó, hơn 2.280 trường công lập và khoảng 590 trường tư thục; 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 65.190 lớp, 2.194.859 học sinh, 138.904 giáo viên, 67.405 phòng học.
Thông tin về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thành phố, mới đây, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 10/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố ước đạt khoảng 59%, trong đó mầm non 50,8%, cấp tiểu học 64,4%, trung học cơ sở 75,4%, trung học phổ thông 36,7%.
Hà Nội xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp, cải tạo, sửa chữa 528 trường và hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn.
Thành phố phấn đấu triển khai Kế hoạch xây dựng để đến cuối năm 2023 hoàn thành chỉ tiêu công nhận mới 130 trường công lập đạt chuẩn quốc gia và 394 trường công nhận lại đạt chuẩn.
Hiện nay, mạng lưới trường, lớp được quan tâm đầu tư và mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao, công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm.
Thành phố cũng tăng cường, chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
Dự kiến, về quy mô các trường trung học phổ thông công lập, đến năm học 2024-2025 sẽ có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024). Đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024). Đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).
Giải pháp cho tình trạng thiếu trường lớp
Tại Hà Nội, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên xảy ra hiện tượng quá tải trường, lớp học, nhất là ở các trường học thuộc khu vực nội thành. Ở một số địa bàn, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định; một số nơi thiếu trường công lập.
Đầu năm học mới 2023-2024, tình trạng thiếu trường lớp tiếp tục là vấn đề "nóng" của ngành GDĐT Hà Nội. Trong đó, báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết, 8 quận Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai thiếu 49 trường.
Những địa bàn đông dân cư là những nơi thiếu nhiều trường, lớp nhất, không chỉ thiếu trường lớp, việc đảm bảo các chỉ tiêu như, số lớp/trường, số học sinh/lớp, ở một số phường, xã, quận nội đô và một số huyện cũng gặp khó khăn. Trường học ít, quá tải khiến công tác tuyển sinh đầu cấp nhiều năm gặp khó khăn, điểm chuẩn vào các trường THPT ở một số địa bàn cao khiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội căng thẳng "hơn thi đại học".
Trước thực trạng này, giải pháp trước mắt và lâu dài được đề cập là ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học mới, cải tạo, mở rộng các lớp học đã có. Để thực hiện chủ trương này, cần "quyết liệt di dời" những cơ sở sản xuất, trụ sở bộ, ngành, trường cao đẳng, đại học ra ngoại thành theo đúng định hướng của các quy hoạch phân khu nội đô, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất.
Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đề cập như, thu hồi các khu đất chậm triển khai dự án, giao cho quận để xây trường học, cho phép nâng thêm tầng khi xây trường; quy định tỉ lệ trường công lập ở các khu đô thị khi phê duyệt quy hoạch; đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các trường tư thục, tạo điều kiện để các trường thu hút học sinh…