• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Pháp luật 11/01/2021 11:36

(Tổ Quốc) - Công tác phòng, chống tham nhũng được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy.

Triển khai hàng trăm cuộc thanh tra

Xác định phòng, chống tham nhũng là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, trong năm qua, thành phố Hà Nội thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 23/12/2019 về công tác thanh tra năm 2020 và Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2020 về công tác PCTN năm 2020; qua đó, đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện có kế hoạch công tác thanh tra, công tác PCTN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN; giữ vững ổn định an ninh chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội: Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (khóa XVI) theo dõi hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Báo Nhân dân

UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên củng cố, xây dựng, kiện toàn lực lượng làm công tác thanh tra, bộ máy tiếp công dân theo quy định của pháp luật; tăng cường tiếp, đối thoại với công dân; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các tranh chấp, KNTC ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết KNTC; kiểm tra, rà soát các vụ KNTC đông người, phức tạp, kéo dài để có biện pháp giải quyết dứt điểm...

Năm 2020, các cơ quan hành chính của Thành phố triển khai 343 cuộc thanh tra (gồm KH: 262 cuộc, ĐX: 81 cuộc); đã kết luận 212 cuộc. Nội dung tập trung vào thanh tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện công tác QLNN trong một số lĩnh vực: quy hoạch, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; tài chính, tài sản công; việc thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN,… Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 28,014 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 25 tập thể và 92 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 04 cuộc.

Thanh tra Thành phố đã tiến hành đôn đốc các đơn vị thực hiện dứt điểm 529 kết luận, còn 654 kết luận phải tiếp tục đôn đốc thực hiện. (trong đó, TTTP: 140, sở ngành: 332, UBND cấp huyện: 154, Trung ương: 28).

Công tác PCTN được UBND Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy. UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch công tác PCTN năm 2020, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như: tăng cường công khai minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".

Cần cơ chế minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, GPMB, đầu tư xây dựng, tài chính,... công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi; một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; các cơ quan PCTN tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, chống tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Hà Nội: Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm - Ảnh 2.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Ảnh: Hà nội mới

Về nguyên nhân khách quan, công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN là những công việc khó khăn, phức tạp. Hệ thống, chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với các đối tượng cố ý không thực hiện kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý về tố cáo. Một số vụ kéo dài trong nhiều năm nay, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Về nguyên nhân chủ quan, nhận thức của một số cấp uỷ, lãnh đạo trong các công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN còn hạn chế; số lượng, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; một số đơn vị chưa chưa coi trọng tính kế thừa, phát triển và đào tạo cán bộ; một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết KNTC, xử lý tham nhũng và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết.

Ngoài ra, nhận thức của một số người dân về KNTC còn hạn chế; có hiện tượng bị lôi kéo, dụ dỗ KNTC đông người, vượt cấp gây mất an ninh, trật tự,...

Để tăng cường công tác QLNN, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, Thanh tra Thành phố và các đơn vị cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thành tốt Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 23/12/2019 của UBND Thành phố về công tác thanh tra năm 2020; bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố tham mưu UBND Thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác thanh tra năm 2021; hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra trách nhiệm trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tập trung thanh tra trách nhiệm của Giám đốc sở và Chủ tịch UBND cấp huyện (trọng tâm là những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đơn tố cáo tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều ý kiến),...

Tăng cường việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra và văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra theo quy định của Chính phủ và Kế hoạch của UBND Thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN, trong đó trọng tâm là Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, quy định của Trung ương và Thành phố về công tác này; tập trung giải quyết các vụ việc KNTC, phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; phấn đấu tổ chức thực hiện đạt tỷ lệ trên 90% đối với các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý tố cáo; tăng cường hoạt động của các Tổ công tác để tiếp tục kiểm tra, rà soát, đôn đốc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp nhằm đạt được mục tiêu giảm KNTC đông người, vượt cấp.

Hoàn thành tốt Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2020 về công tác PCTN năm 2020 của UBND Thành phố; bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, quy định của Trung ương và Thành phố về công tác PCTN, chủ động tham mưu UBND Thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác PCTN năm 2021; trong đó, chú trọng việc thực hiện công khai minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trên các lĩnh vực gắn với việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Quy định của Trung ương và Thành phố; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về PCTN và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát.

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, chú trọng việc rèn luyện ý thức, phẩm chất, kỹ năng, ứng xử trong công việc, trong tiếp xúc, làm việc với công dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. 5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thành phố tiếp tục quan tâm đặc biệt đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC phục vụ đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Thành ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp được đề cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, giám sát, điều tra, xét xử, truy tố có chuyển biến tích cực. Kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức cũng được siết chặt; nổi bật, Thành ủy Hà Nội đã đưa 50 vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Khẳng định phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác điều tra, xét xử, thi hành án; giải quyết dứt điểm các kết luận sau thanh tra, kiểm tra gắn với xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân cố tình chây ỳ không thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách; cải cách hành chính; thực hiện luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm để phòng, chống tham nhũng vặt, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý sử dụng đất đai, tài sản công…

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ