Những ca sốt xuất huyết phân bố rải rác tại 261 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Riêng trong tuần từ17 đến 23/9, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 136 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Mặc dù so với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm đáng kể, nhưng công tác phòng chống dịch vẫn được tập trung cao.
Sở y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các quận từng có các ổ dịch cũ như: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và các huyện ven đô như: Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức... tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới. Đặc biệt, tại những nơi có ổ dịch sốt sốt huyết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố cho biết sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống sốt xuất huyết của các xã, phường, thị trấn...
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Hà Nội mới
|
Theo quy luật hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do đó, việc cảnh giác với bệnh, nhất là vào mùa mưa, là việc làm không thể thiếu đối với mỗi cá nhân và gia đình. Bài học trong công tác chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2017 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không muốn dịch bệnh bùng phát thì ngoài ngành Y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân.
Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trong mùa mưa, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành…, theo nguyên tắc: Không có lăng quăng, không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Chúng ta phải luôn có ý thức dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng như: Gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ... Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, kể cả ngày và đêm, mặc quần áo dài tay, không ngồi chơi chỗ tối, đuổi muỗi bằng đốt nhang muỗi, xịt muỗi hay kem thoa chống muỗi.
Thủy Bích (t/h)