(Tổ Quốc) - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch MICE và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực, bổ sung cơ sở vật chất, hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và đẩy mạnh công tác truyền thông để ngày càng thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch MICE nói riêng.
Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch MICE
Tại sự kiện kết nối kinh doanh du lịch MICE 2024 với tên gọi: MICE EXPO 2024 được tổ chức ngày 27/9, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế của Hà Nội trong phát triển du lịch MICE cũng như những định hướng phát triển du lịch MICE của Hà Nội trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, có rất nhiều loại hình du lịch khác nhau để thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của con người, nổi bật trong đó là loại hình du lịch MICE, một loại hình du lịch kết hợp các hoạt động gặp gỡ, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, sự kiện với hoạt động tham quan du lịch.
"Phát triển du lịch MICE đem đến nhiều lợi ích to lớn, từ các đóng góp về kinh tế, về văn hóa, xã hội, về môi trường; đến tác động tích cực về hoạt động đối ngoại; đặc biệt là tỷ trọng cơ cấu đóng góp lớn đối với ngành Du lịch. Loại hình du lịch MICE được đánh giá là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các loại hình du lịch thông thường", ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Hà Nội có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ hàng đầu cả nước. Hà Nội có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
Hà Nội là thành phố trung tâm của miền Bắc, giao thông kết nối từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt với các công trình hiện đại phục vụ nhu cầu di chuyển của du khách như cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy,... tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được vận hành đã không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nội thành và du khách, giúp giảm thiểu ô nhiễm cho Thủ đô mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị và tạo điểm nhấn về du lịch.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội những năm qua được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Tính đến tháng 9/2024, Hà Nội có 3.761 cơ sở lưu trú du lịch với 71.256 phòng, trong đó có hàng trăm khách sạn khách sạn - khu căn hộ được công nhận hạng từ 1-5 sao.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội tương đối tốt so với cả nước. Khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khách sạn từ 3 - 5 sao đều có trình độ đại học trở lên, sử dụng được ngoại ngữ. Nhiều khách sạn có quy mô lớn, thương hiệu, đẳng cấp quốc tế như: Khách sạn JW Marriott, Lotte Center Hà Nội, Grand Plaza Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake…
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hội nghị, hội thảo của Hà Nội hiện có sức chứa khoảng 50.000 chỗ ngồi, có khả năng phục vụ các sự kiện lên đến vài nghìn người/địa điểm, cụ thể như: Trung tâm hội nghị Quốc gia có hội trường lớn, sức chứa khoảng 3.800 - 4.000 chỗ ngồi; Trung tâm hội nghị hội thảo quốc tế (1 Lê Hồng Phong Hà Nội) có sức chứa 3.500 ghế ngồi; Trung tâm hội nghị & tổ chức sự kiện Star Galaxy (87 Láng Hạ, Ba Đình); Trung tâm Hội Nghị quốc tế Almaz (khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên); Tổ hợp văn hóa và giải trí Baara Land (Khu Du lịch Tuần Châu, huyện Quốc Oai, Hà Nội)... Việc tổ chức các hội nghị với phòng họp có trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, đồng bộ kết hợp với các tour du lịch ngắn ngày giúp khách dự hội nghị, hội thảo có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, đáp ứng yêu cầu công việc kết hợp nghỉ dưỡng của du khách.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ẩm thực của Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ, tính xã hội hóa khá cao, đem lại vị thế cho Thủ đô trong hệ thống du lịch ẩm thực thế giới và khu vực. Các cơ sở ăn uống ở Hà Nội thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, phong phú và đa dạng từ các nhà hàng truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá, dân tộc Việt Nam, hệ thống nhà hàng quốc tế như nhà hàng Thái Lan, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Âu… cho đến các quán bar, cafe, các quán ăn nhanh của các tập đoàn lớn trên thế giới như KFC, Lotte, Starbucks, Lotteria...,
Đồng thời, Thành phố đã mở rộng, phát triển nhiều không gian phố đi bộ để giới thiệu đến du khách nét văn hóa, cuộc sống sinh hoạt đô thị của người dân Thủ đô.
Chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, không chỉ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch, những năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã tập trung đổi mới, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc. Trong đó, nổi bật đã ra mắt 16 sản phẩm du lịch đêm kết hợp trải nghiệm văn hóa; phát triển mô hình du lịch cộng đồng người Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì; từng bước xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện ngoại thành; Thí điểm sản phẩm du lịch đường sông từ Bến Chương Dương Độ đi cảng Bát Tràng,…
Kết quả, Thủ đô Hà Nội liên tục được các tổ chức, chuyên gia, chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch. Từ năm 2022 đến 2024, Hà Nội đã được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh liên tiếp 3 năm tại hạng mục Giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á"; được vinh danh liên tiếp 02 năm 2023-2024 tại hạng mục Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu Châu Á. Đặc biệt, năm 2024, Thủ đô Hà Nội còn giành được giải thưởng "Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam".
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đón trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú) tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 62% trở lên, tăng 3 điểm % so với năm 2023.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với những tiềm năng, thế mạnh đó, Hà Nội đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới, nổi bật như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11,….
Những sự kiện này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Thủ đô trên trường quốc tế là một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển mà còn khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế, điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.
Có thể nói, sản phẩm du lịch MICE được coi là thế mạnh của ngành Du lịch Thủ đô. Việc định hướng và tập trung phát triển du lịch MICE là mục tiêu của ngành Du lịch Hà Nội.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển loại hình này và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực, bổ sung cơ sở vật chất, hạ tầng chất lượng cao, đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và đẩy mạnh công tác truyền thông để ngày càng thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch MICE nói riêng đến với Hà Nội.