(Tổ Quốc) - Sở Tài chính vừa đề xuất UBND TP Hà Nội tăng giá nước sạch từ trung bình 8.300 đồng/m3 lên hơn 11.900 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 năm 2024.
Dự kiến điều chỉnh từ tháng 7 tới
Sở Tài chính cho hay, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của Hà Nội, dân số tăng nhanh do sự gia tăng cơ học, đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn rất hạn chế.
Theo tính toán, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.
Trong khi đó, các chi phí cấu thành giá nước sạch cơ bản đều tăng như tiền lương tối thiểu vùng, giá điện; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng trong 10 năm qua như thuế tài nguyên, chi phí dịch vụ môi trường rừng, thuế khai thác tài nguyên nước.
Dự kiến lộ trình áp dụng trong năm 2023 và năm 2024, mức giá dự kiến tăng hàng năm được áp dụng cho các nhóm khách hàng: Hộ dân cư; cơ quan hành chính sự nghiệp; đơn vị sự nghiệp, phục vụ công ích; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Theo Sở Tài chính, dự kiến: đối với các hộ dân cư với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức đến 10m3 thì số tiền phải chi thêm khoảng: 15.270 đồng/tháng.
Đối với các nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì mức giá nước tăng khoảng 20%, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng chi phí.
Chi phí sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt cao hơn nước ngầm
Được biết, trước năm 2016 tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP là khoảng 900.000 m3/ngày đêm; trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt sông Đà khoảng 200.000 m3/ngày đêm.
Với quan điểm ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm, Hà Nội hiện đã bổ sung đơn vị cấp nguồn là Dự án nhà máy nước mặt sông Đà, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng. Đồng thời Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã đầu tư cải tạo chuyển đổi Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì từ sản xuất nước ngầm sang lưu thông nước mặt.
Trong 04 dự án thì Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà đã triển khai cấp nước từ năm 2009 để cấp nguồn nước cho khu vực phía Tây Hà Nội, đến nay dự án đã nâng công suất từ 220.000 m3/ngày đêm lên 300.000 m3/ngày đêm;
Dự án Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì đã đi vào hoạt động với công suất đạt 150.000 m3/ngày đêm; dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng hiện trong giai đoạn triển khai dự án.
Từ tháng 01/2019, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã đi vào hoạt động và bổ sung nguồn cấp cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, đến nay Dự án đã hoàn thành phân kỳ 2 giai đoạn 1 với công suất đạt 300.000 m3/ngày đêm.
Với 3 nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt thì công suất đến thời điểm năm 2022 đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho TP. Việc bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống, Sông Đà, Sông Hồng vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho Thành phố sẽ thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.
So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do: Chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm, vì vậy cộng hưởng làm giá thành sản xuất nước sạch tăng so với trước đây.
Theo Sở Tài chính, dự thảo phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP đã thực hiện đúng quy định về xây dựng phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp với quy định, đảm bảo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới người dân và đối tượng sử dụng nước sạch có liên quan; có chính sách chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước sạch và cơ chế hỗ trợ người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.
Tại dự thảo phương án giá nước sạch đã đánh giá các tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng, trong đó việc điều chỉnh giá nước sạch xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Theo tính toán của Liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì tăng khoảng 0,17%, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, con số này "không tác động lớn đến giá các loại hàng hoá, dịch vụ có liên quan"./.