(Tổ Quốc) - Chiều 30/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã thông tin một số nội dung cơ bản của Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".
Mức thu dự kiến từ 50.000-100.000 đồng/lượt
Theo Sở GTVT Hà Nội, "giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông" là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở các nguyên tắc và căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ô tô các tỉnh TP không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
"Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt. Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm TP. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng/lượt" - Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND TP (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.
Thu phí thì hệ thống giao thông công cộng phải đồng bộ
Nêu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, ở các đô thị lớn, khi hạ tầng quá tải thì chuyện thu phí cũng là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề bàn đến là thực hiện ở thời điểm nào, trong bối cảnh nào.
Ví dụ khi thu phí thì phải phát triển hệ thống giao thông công cộng để cho người dân có lựa chọn tốt hơn. Thứ hai là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, cả doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng rất lớn thì cần phải cân nhắc về thời điểm thực hiện.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường, thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô cũng là một giải pháp hạn chế phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách.
Lấy ví dụ từ Hàn Quốc, quốc gia này quy định nếu người dân đăng ký chiếc ô tô được đi trong nội đô thì phải đóng một loại phí gọi là trái phiếu, số tiền này sẽ được đem đi đầu tư hệ thống tàu điện ngầm, ĐB Cường cho rằng, ngoài ngân sách của nhà nước đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông thì việc thu phí để tái đầu tư các hạ tầng giao thông khác cũng là một phương án khả thi mà chúng ta cân nhắc.
ĐB Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, nếu Hà Nội đặt mục tiêu thu phí vào nội đô, thì tới nay đến năm 2025 là thời gian ngắn để nâng cấp, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội.
Về mức giá thu phí vào nội đô, theo vị ĐB này, cần phải trên cơ sở nghiên cứu lợi ích của cá nhân sử dụng phương tiện cá nhân và người sử dụng phương tiện công cộng. Giá thu phí này thuộc về lĩnh vực dịch vụ công, sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành phù hợp./.