• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Giáo dục 06/10/2022 18:16

(Tổ Quốc) - Ngày 06/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có quyết định công nhận Thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cụ thể, Bộ GDĐT công nhận Thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2021.

Thành phố Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000. Thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 vào năm 2001, đạt mức độ 2 vào năm 2018.

Để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, trong năm 2021, Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các quận, huyện, thị xã thực hiện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Đánh giá kết quả thực hiện của Hà Nội, Bộ GDĐT đã cử đoàn công tác tới kiểm tra việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 ở 30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội. Trong đó, kiểm tra trực tiếp tại 24 đơn vị và kiểm tra trực tuyến tại 6 đơn vị.

Kết quả, Hà Nội đã có 98,8% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, 99,82% số học sinh tốt nghiệp THCS, tỉ lệ thanh niên, thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 98,49%. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đạt yêu cầu…

Có được kết quả này cũng là bởi, trong những năm qua Ngành GDĐT Thủ đô đã không ngừng nỗ lực duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, vượt qua gian khó để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, tạo được những chuyển biến về chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy và đào tạo. Quy mô giáo dục toàn Thành phố liên tục mở rộng và phát triển, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Hà Nội duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo - Ảnh 1.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được Hà Nội tập trung thực hiện (ảnh minh họa)

Năm học 2021-2022, trên địa bàn Thành phố có 51 trường được xây mới, thành lập mới với tổng mức đầu tư khoảng 2.885 tỷ đồng. Hà Nội thực hiện cải tạo, sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí gần 5.008 tỷ đồng, bố trí 1.464 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách của Thành phố và các quận, huyện, thị xã) để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường học với 70.199 lớp và hơn 2,2 triệu học sinh cùng 138.090 giáo viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó trường công lập là 79%. Hà Nội cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2022 sẽ công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 toàn Thành phố đạt tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%, đồng thời, duy trì, giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2022-2025, toàn Thành phố phấn đấu tăng thêm từ 432-552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Các mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực được hình thành và phát triển hiệu quả.

Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên không ngừng được nâng cao, chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định, là nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục mũi nhọn.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT diễn ra mạnh mẽ. Trong suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội nhưng ngành GDĐT Hà Nội đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào GDĐT, các hoạt động dạy học đã diễn ra bình thường. Tháng 8/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh của Thành phố (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động GDĐT.

Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đạt giải trong các Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như ghi dấu ấn trên 'đấu trường' quốc tế, chỉ riêng năm học 2021-2022, học sinh Hà Nội đã đạt 125 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 63 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.

Công tác liên kết, hội nhập quốc tế trong GDĐT của Hà Nội cũng được tăng cường và không ngừng mở rộng với nhiều loại hình mới. Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, quốc gia trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực GDĐT của Thủ đô.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ