(Tổ Quốc) - Sau 2 năm học bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19, năm học mới 2022-2023, các trường trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên… cũng như đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch.
Năm học này, huyện Hoài Đức có hơn 71.000 học sinh với hơn 4.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác giảng dạy và học tập tại các trường trên địa bàn bao gồm: 42 trường mầm non (trong đó, 32 trường mầm non công lập) và 82 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; 25 trường Tiểu học và 25 trường THCS. Trên địa bàn có 5 trường THPT (4 trường công lập và 1 trường dân lập) và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Giáo dục nghề nghiệp.
Trong năm học này, ngành Giáo dục huyện Hoài Đức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, trọng tâm. Đồng thời, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện Hoài Đức cũng thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong đổi mới các hoạt động giảng dạy và đào tạo và đã đạt được những kết quả khả quan như, 100% các trường đã có trang web riêng, đảm bảo mỗi đơn vị có 2 đường truyền cáp quang tốc độ cao do 2 nhà mạng cung cấp, phục vụ cho các hoạt động ứng dụng CNTT cũng như hoạt động của nhà trường… góp phần vào công cuộc đổi mới sáng tạo chung của ngành GDĐT Thủ đô.
Đối với cấp mầm non, số liệu đầu năm học mới cho thấy, có 81,4% trẻ mầm non tới trường, trong đó lớp nhà trẻ đạt 45,7%, mầm non đạt 105%. Việc triển khai nhiệm vụ năm học được thực hiện tốt, theo đúng lịch trình chuyên môn của cấp học; công tác tuyên truyền, bồi dưỡng giáo dục được chú trọng; các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục triển khai theo đúng kế hoạch, an toàn và đạt hiệu quả.
Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã chỉ đạo ngành Giáo dục tập trung rà soát mọi điều kiện để hoàn thành việc công nhận chuẩn mới cấp độ 2, cấp độ 1 và công nhận chuẩn lại, nâng chuẩn của các đơn vị theo kế hoạch. Đồng thời, tham mưu, đề xuất ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường công lập tại các địa phương có khu đô thị, khu đông dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, đạt và tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được các nhà trường thực hiện theo chỉ đạo. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ 5-6 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Thực hiện kiểm tra, tự giám sát trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ...
Một trong những vấn đề được quan tâm đầu năm học của cấp học này chính là tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về khối lượng công việc. Đây là một trong những khó khăn cần được khẩn trương tháo gỡ. Ngoài ra, vấn đề thiếu lớp học, sĩ số trẻ trong lớp học đông hơn quy định do số trẻ thực tế đến lớp cao hơn kế hoạch… Thực tế này dẫn đến một số trường không đảm bảo được chuẩn quốc gia, khó khăn khi đầu tư mở rộng trường lớp…
Đối với các trường tiểu học, để thực hiện các nhiệm vụ mà ngành Giáo dục đặt ra trong năm học này, các nhà trường lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ, tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng trong toàn ngành…
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra đối với các trường chính là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên 2 môn Tin học và Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hạn chế về cơ sở vật chất gây khó khăn cho các trường trong triển khai các hoạt động dạy học đảm bảo chất lượng. Công tác đầu tư, xây dựng các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 cũng là vấn đề được huyện Hoài Đức quan tâm.
Trước đó, trong năm học 2021-2022, 6 trường trên địa bàn huyện Hoài Đức đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp mầm non có 3 trường (Lại Yên, Sơn Đồng, An Thượng A); cấp tiểu học có 2 trường (Yên Sở và Dương Liễu A); cấp THCS có 1 Trường THCS Lại Yên. Toàn huyện có 60/77 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 77,9%, tăng thêm 2 trường, trong đó, cấp THCS: 20/22 (đạt 90,9%), cấp Tiểu học 19/25 (đạt 76%), cấp Mầm non 21/30 (đạt 70%). Số trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 là 6/60 trường đạt tỉ lệ 10%, tăng 2 trường so với năm trước.