(Tổ Quốc) - Chủ tịch UBND thành phô Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo đó, Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn làm Tổ phó Thường trực. Các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà làm Tổ phó.Ngoài ra, Tổ phó Tổ công tác còn có: Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Sỹ Trường. Ủy viên Tổ công tác gồm 36 đồng chí là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành có liên quan.
Tổ giúp việc của Tổ công tác do Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn làm Tổ trưởng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh làm Tổ phó Thường trực, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Mạnh Quân làm Tổ phó.
Ủy viên Tổ giúp việc gồm 38 đồng chí là đại diện các sở, ngành, đơn vị thuộc TP.
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; Phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan của Trung ương về thi hành Luật Thủ đô; Điều phối, gắn kết việc triển khai thi hành Luật Thủ đô với việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.
Tổ giúp việc của Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác, Tổ giúp việc được đảm bảo từ nguồn ngân sách Thành phố giao Văn phòng UBND TP. Thành viên Tổ công tác; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ giúp việc được sử dụng con dấu của đơn vị mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, Tổ giúp việc
Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XV, Kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025).
Luật gồm 07 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô năm 2024 dành riêng Chương II quy định về: Tổ chức chính quyền đô thị. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Trong đó, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người. Hội đồng nhân dân Thành phố được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể. Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Trưởng ban do Hội đồng nhân dân bầu; Phó Trưởng ban và các Ủy viên do Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phê chuẩn. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định số lượng Phó Trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 02 người trên một Ban…
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Kế hoạch nêu rõ, trước mắt, trong quý III, IV năm 2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Mặt khác, tổ chức các hội nghị tập huấn về Luật Thủ đô ở cả cấp thành phố, cấp huyện; tập huấn chuyên sâu về Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Đặc biệt, UBND Thành phố phát động phong trào thi đua thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và Sở Nội vụ Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, tham mưu đề xuất khen thưởng, tôn vinh kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Còn tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hôm 16/8, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, Luật Thủ đô được thông qua có nhiều điều sẽ mở đường về quan điểm ở các lĩnh vực cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn xã. Thành phố đặt kỳ vọng lớn vào sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này, kiến nghị với Chính phủ có cơ chế PPP (hợp tác công tư) để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch.