(Tổ Quốc) - Năm 2024 du lịch Việt Nam đã và đang ghi nhiều dấu ấn đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi nhiều điểm đến, địa phương, dịch vụ tham quan và lữ hành của nước ta xuất sắc được gọi tên ở nhiều hạng mục du lịch hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Hà Nội được vinh danh ở cả 3 hạng mục, gồm: "Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á", "Điểm đến thành phố du lịch ngắn ngày hàng đầu châu Á" và "Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam". Việc Hà Nội liên tục được đề cử và vinh danh tại các giải thưởng du lịch uy tín thể hiện rõ vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Hà Nội hiện vẫn còn những hạn chế. Đó là việc đầu tư, khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Đặc biệt là còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng được những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo mang thương hiệu Thủ đô…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ của thành phố Hà Nội; trong đó nhấn mạnh đến việc các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng các sự kiện, chương trình văn hóa, lễ hội, tiến tới trở thành các sự kiện thường niên của Thủ đô. Đồng thời, thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để vừa quảng bá hình ảnh, văn hóa và con người Thủ đô, vừa kích cầu du lịch, dịch vụ, thương mại, kích thích phát triển kinh tế.
Ai cũng rõ những nguồn lực to lớn từ du lịch cho phát triển kinh tế - xã hội. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với việc xây dựng nhiều loại hình du lịch mới đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần có những giải pháp gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Thủ đô, theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù, có khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thành phố Hà Nội đã xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Thực hiện nhiệm vụ này, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một minh chứng rõ ràng, hiệu quả, giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức hồi tháng 7-2024 tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ cũng trở thành một điểm hẹn văn hóa và mở ra nhiều triển vọng cho phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội. Hay mới đây, sau 3 ngày diễn ra (từ ngày 29-11 đến 1-12-2024), Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 cũng thu hút gần 11.000 lượt người dân và du khách tham dự… Đây là những ví dụ điển hình cho việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố lễ hội của Việt Nam hay trung tâm sáng tạo của khu vực.
Với những định hướng đúng đắn và quyết tâm cao, chắc chắn Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu của năm 2025, đó là phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thành phố sẽ đón và phục vụ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Hà Nội sẽ là thành phố du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.