• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Lựa chọn sách giáo khoa trong năm học mới như thế nào?

Giáo dục 12/03/2021 11:54

(Tổ Quốc) - Việc lựa chọn SGK trong năm học 2021-2022 tại Hà Nội phải đáp ứng 2 tiêu chí: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) thay thế Quyết định số 1715/QĐ-UBND ngày 24/4/2020 Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, việc lựa chọn SGK sử dụng trong năm học tới (2021-2022) được thực hiện theo 2 tiêu chí.

Tiêu chí thứ nhất, nội dung SGK đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của Thủ đô Hà Nội và cộng đồng dân cư góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Cùng đó, SGK có kiến thức hiện đại, cập nhật, có khả năng vận dụng, liên hệ thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế. Góp phần phát triển giáo dục toàn diện nhằm đào tạo nguồn lao động có tri thức, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Hà Nội: Lựa chọn sách giáo khoa trong năm học mới như thế nào? - Ảnh 1.

Bộ SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục

Tiêu chí thứ hai, SGK đảm bảo chất lượng và kế hoạch giáo dục tại cơ sở giáo dục. Trong đó, nội dung sách giáo khoa có tính khả thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, có thể triển khai hiệu quả với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục phổ thông; có tính mở, tạo điều kiện để nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt, sáng tạo…

Ngoài ra, SGK phù hợp với năng lực học tập của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả. Cụ thể, nội dung SGK đảm bảo tính vừa sức, tính phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều nhóm đối tượng học sinh; chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học; tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh.

Các bài học, chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

Nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, đánh giá được kết quả giáo dục đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình GDPT 2018.

P.Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ