Hà Nội mưa lạnh đến bao giờ?
(Tổ Quốc) - Ngày hôm qua (24/11) là ngày không khí lạnh tác động mạnh nhất đến thời tiết các tỉnh miền Bắc.
Hà Nội mưa lạnh đến bao giờ?
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu gió Đông trên cao nên ngày 24/11, Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đón thời tiết mưa lạnh, nền nhiệt giảm.
Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 24/11 có nơi trên 80mm như: Quán Hành (Nghệ An) 220mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 166.8mm, Xuân Bình (Thanh Hóa) 80.2mm,…
Mưa cùng nền nhiệt giảm khiến cho người dân Thủ đô cảm nhận được thời tiết lạnh của mùa Đông. Vậy mưa lạnh tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc kéo dài đến bao giờ?
Dự báo, đêm 24/11 ngày 25/11, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đêm và sáng trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
Khu vực Hà Nội tiếp tục duy trì thời tiết nhiều mây, có mưa, mưa rào. Trời lạnh với nhiệt độ trong ngày 25/11 dao động từ 22-25 độ, ngày 26/11 dao động từ 23-26 độ.
Từ Chủ Nhật (27/11), không khí lạnh suy yếu, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội trời không mưa, hửng nắng, nhiệt độ tăng cao, dao động trong ngày từ 23-30 độ. Dự báo hình thái thời tiết này duy trì ở Hà Nội cho đến khoảng 30/11.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng đưa ra nhận định, vào khoảng 30/11, sẽ có một đợt không khí lạnh mạnh tăng cường xuống nước ta. Đây có thể là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, nền nhiệt giảm sâu, gây rét đậm cho các tỉnh miền Bắc.
Mùa mưa Nam Bộ kết thúc khi nào?
Những ngày qua ở TP.HCM và nhiều tỉnh Nam bộ luôn trong tình trạng trời nhiều mây và những cơn mưa gần như có thể đổ xuống bất cứ lúc nào dù là buổi sáng, trưa hay chiều tối.
Cùng với đó là triều cường đã gây ngập nặng nhiều vùng trũng thấp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 22.11, lượng mưa đo được tại nhiều địa phương ở TP.HCM đạt mức cao đến khá cao. Cụ thể, tại Thủ Đức 71,2 mm, Bình Chánh 66,2 mm, Củ Chi 60,6 mm và Hóc Môn 46 mm. Ở một số tỉnh, lượng mưa ghi nhận rất cao như: Dĩ An (Bình Dương) lên tới 117,6 mm, Cái Bè (Tiền Giang) 114,8 mm, TP.Bến Tre 81,2 mm…
Theo nhận định từ cơ quan khí tượng, nguyên nhân gây ra mưa lớn TPHCM và Nam Bộ những ngày qua là do ảnh hưởng bởi rãnh áp thấp có trục nằm trên khu vực, rãnh áp thấp này tồn tại vùng thấp chứa nhiễu động gây ra mưa.
Theo dự báo, khu vực TPHCM và Nam Bộ sẽ kết thúc mưa vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Tuy nhiên, năm nay mưa trái mùa vẫn còn xảy ra với lượng nhiều hơn mọi năm.
Đặc biệt, cơ quan khí tượng mới đây đã đưa ra dự báo về đợt triều cường tiếp theo tại Nam Bộ.
Dự báo, từ ngày 25/11 đến ngày 29/11/2022, khu vực ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường cao, mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,25-4,35m.
Dự báo tác động: Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Dự báo xu thế khí hậu tháng thời kỳ từ nửa cuối tháng 11 đến nừa đầu tháng 12
Cơ quan khí tượng cũng đã đưa ra những nhận định về tình hình thời tiết cả nước trong thời kỳ (21/11- 20/12). Theo đó, có khả năng xuất hiện khoảng 01 hoặc 02 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, tập trung chủ yếu trong giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022 và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía Nam nước ta. Sang tháng 12, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn, gia tăng về cường độ và tần suất.
Xu thế nhiệt độ trung bình: Trong thời kỳ dự báo nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5- 1,5 độ C; các khu vực còn lại nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
Xu thế lượng mưa: TLM có xu hướng cao hơn so với TBNN trên phạm vi cả nước. Tại khu vực phía Tây Bắc Bộ TLM cao hơn từ 10-30mm, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn từ 30-50mm. Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Bộ có TLM cao hơn từ 50-100mm. Các khu vực còn lại bao gồm Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có TLM cao hơn từ 100-150mm so với TBNN cùng thời kỳ.