(Tổ Quốc) - Hiện nay 100% các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đã kiện toàn Ban Chăm sóc sức khoẻ học sinh, 100% các quận, huyện, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong triển khai công tác y tế và phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Ngày 13/11, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động y tế trường học năm học 2023-2024, triển khai kế hoạch hoạt động năm học 2024-2025.
Theo báo cáo tại hội nghị, Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thành phố, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện tốt các hoạt động, chương trình sức khỏe học đường. Toàn Thành phố có gần 5.000 trường, điểm trường, nhóm lớp mẫu giáo mầm non độc lập;100% các trường học và cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chăm sóc sức khoẻ học sinh, 100% các quận, huyện, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học.
Hầu hết các trường học có nhân viên y tế chuyên trách, đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi trong triển khai công tác y tế trường học, phòng chống dịch trong trường học.
Trong năm học 2023-2024, 100% các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch khám sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và thực hiện công tác khám sức khỏe định kỳ. Tổng số đã khám được 2.017.765/2.127.756 ( chiếm 95%) số học sinh các trường học, nhóm lớp.
Qua kết quả khám sức khoẻ cho thấy tình trạng trẻ bị bệnh về mắt, tật khúc xạ và bệnh răng miệng chiếm tỷ lệ cao trong học sinh, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng đã gia tăng và đáng quan tâm. Các loại tai nạn thương tích thường gặp ở học sinh là trượt, ngã; cắt vào tay chân, bỏng, tai nạn giao thông,… Các trường hợp tai nạn thương tích ở học sinh đều được xử lý tại chỗ và chuyển tuyến kịp thời.
Trong các tháng đầu năm, trước sự gia tăng của một số dịch bệnh (sởi, tay chân miệng...), Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học, đặc biệt là tại trường Mẫu giáo - Mầm non của 30/30 quận, huyện, thị xã.
Ngành Y tế duy trì thực hiện tốt các mô hình y tế học đường như: Duy trì và mở rộng các mô hình điểm về công tác nha học đường, duy trì 47 trường điểm cũ và triển khai 4 trường điểm Nha học đường có điều trị chăm sóc răng tại trường tiêu học.
Bệnh viện Mắt Hà Nội phối hợp Phòng Giáo dục & đào tạo quận các quận/huyện xây dựng mới 10 mô hình điểm Mắt học đường, xây dựng mô hình điểm về nhận biết các dấu hiệu cấp cứu học đường và thực hành thao tác cấp cứu; thực hiện mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh 3 trường giai đoạn 2023-2025; duy trì mô hình "Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học"; duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã...
Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vệ sinh phòng chống dịch bệnh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo 30 quận, huyện, thị xã tổ chức 1.170 cuộc truyền thông, giáo dục sức khỏe cho 47.815 học sinh từ 13 - 17 tuổi tại 124 trường THCS, THPT của Hà Nội về các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (dinh dưỡng, vận động, tác hại của thuốc lá, rượu bia)...
Công tác kiểm tra y tế học đường, phòng chống dịch bệnh tại các trường học đã được liên ngành Y tế - Giáo dục sát sao. Các trường nghiêm túc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác y tế trường học, công tác phòng chống dịch theo đúng quy định; các ca bệnh, ổ dịch phát sinh trong trường học được phát hiện và xử lý kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại 56 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội (15 trường Mẫu giáo - Mầm non, 12 trường Tiểu học, 25 trường Trung học cơ sở, 4 trường Trung học phổ thông).
Qua công tác kiểm tra, giám sát, đoàn giám sát đánh giá cao công tác thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của các đơn vị. Hầu hết các đơn vị đều có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, đã xây dựng kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá năm 2024 và đưa nội dung không sử dụng thuốc lá vào quy định, quy chế nội bộ và niêm yết quy định tại đơn vị, thực hiện đầy đủ các nội dung của Luật phòng chống tác hại thuốc lá như: không nhận tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan để triển khai các hoạt động của cơ quan đơn vị, có treo biển có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại khu vực trong nhà của đơn vị.
Về vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học, Thành phố đã tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ tiến độ triển khai duy trì mô hình "Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học". Tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ về tiến độ triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp tăn tập thể trường tiểu học. 100% các bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát định kỳ theo quy định.
Kết luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động liên ngành y tế - giáo dục; phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai hoạt động y tế trường học 2024 - 2025; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về công tác y tế trường học tại các cấp quận huyện, xã phường, trường học; củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác y tế trường học.
Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, bệnh tật học đường và sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng hợp lý, phòng chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia trong trường học cho học sinh, sinh viên, giáo viên, phòng chống các bệnh về mắt, răng, miệng… để các em học sinh được quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tốt góp phần phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần./.