• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Ngành GDĐT quyết tâm khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục

Giáo dục 06/10/2023 10:56

(Tổ Quốc) - Ngay những ngày đầu năm học mới 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã có nhiều hoạt động thể hiện quyết tâm khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Hà Nội là Thành phố có số lượng trường học lớn và rất đông học sinh theo học, do đó, công tác quản lý, vận hành gặp nhiều khó khăn, thách thức, ở một số nơi có những tình huống bất thình lình xảy ra.

Ngay đầu năm học này, toàn ngành GDĐT Hà Nội đã thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo… Các nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh.

Toàn ngành cũng đang tích cực hưởng ứng phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" bằng những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm quan tâm nhiều hơn đến học sinh khó khăn, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường học vùng khó… Đây là cơ sở để toàn ngành tự tin, quyết tâm khắc phục những vướng mắc, tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Hà Nội: Ngành GDĐT quyết tâm khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục - Ảnh 1.

Các trường học tại Hà Nội đảm bảo chất lượng giáo dục, lấy học sinh là trọng tâm

Đầu mỗi năm học mới, các vấn đề về thu - chi luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm "đặc biệt" của xã hội nói chung, ngành GDĐT nói riêng. Nắm được yếu điểm này, ngay đầu năm học này Sở GDĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình tổ chức các khoản thu tại các trường trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi.

Đồng thời, Sở yêu cầu các phòng GDĐT tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra nội dung này tại các trường học theo phân cấp quản lý.

Sở cũng quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.

Đối với việc dạy thêm học thêm, nhằm ngăn chặn việc nhà trường "ép buộc" học sinh phải đi học thêm, Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó, lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Bên cạnh đó, Sở lưu ý, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…

Ngay đầu năm học 2023-2024, Sở GDĐT Hà Nội đã có công văn triển khai công tác thanh tra và hướng dẫn kiểm tra năm học này, trong đó có nội dung về việc dạy thêm, học thêm, việc thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, việc dạy ngoại ngữ, tin học, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, việc liên kết đào tạo, phối hợp dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách, thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bên cạnh các vấn đề về thu chi, dạy học thêm, một vấn đề cũng được đề cập đến là các giờ dạy liên kết đan xen vào chương trình dạy học chính khoá. Với vấn đề này, đại diện Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội) đã yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.

Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung này, mà nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh…

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ